Bông hồng cho mẹ Việt Nam và cho những ai đang còn cha, còn mẹ.
“. . .
Chị thì thầm vào tai anh:
“Còn mấy hôm nữa là rằm tháng Giêng chắc mình phải về nhà chứ.”Anh
kéo chiếc mền mỏng lên ngang ngực, chiếc mền ngắn quá, lòi cả nửa ống chân ra
ngoài. Anh nhìn chung quanh một vòng, ngượng ngùng co chân lại.
“Về sao được em, phải chờ chứ, còn nước còn tát, mấy hôm nay thằng
bé cũng thấy khá hơn một chút.”
Hai vợ chồng đang nằm ngủ ngay trước cửa Bệnh Viện Ung Thư, con
trai họ 12 tuổi kiếm được một chỗ nằm chung một giường với một đứa trẻ khác bên
trong, (sau khi anh chị đưa cho y tá trực ở đó hai lần hai cái phong bì.) Dưới
gầm giường thì có bố mẹ của đứa bé kia rồi, không còn chỗ cho anh chị nữa.
Họ lên đây từ trước Tết, đợi mãi mới tới phiên con được khám.
Trong khi chờ thì cứ ngồi, nằm, ngay ở hành lang bệnh viện. Anh chị không phải
là cặp vợ chồng duy nhất ngủ ở ngoài này. Số người chờ khám cho thân nhân hay
chờ khám cho chính mình nhiều hơn số giường của bệnh viện có, nên người chờ
đợi, ăn, ngủ, tràn lan ra tới hành lang.
Trời mưa lụt, nước tràn ngập cả trong phòng đợi, người ngồi, kẻ
nằm trên những chiếc ghế nhựa trông thật thảm thương. Ngày khô thì chiếu trải
la liệt dưới đất. Bệnh Viện mà trông như trại tỵ nạn.
Anh chị từ Hòa Bình mang con về Hà Nội chạy chữa, thằng bé 12 tuổi
đang đi học bỗng ngã bệnh, chữa mãi Bác sĩ tỉnh nhà không khỏi, thử máu, chụp
hình mới biết là bị ung thư màng óc.
Chị lại thì thầm: “Tết mình đã không có mặt ở nhà để cúng ông bà,
thì Rằm cũng phải về cúng Phật chứ anh. Hay em ở lại với con, anh về mấy hôm
đi.”
“Anh về cũng chẳng an tâm được. Mấy hôm ngủ ngoài sương thấy em đã
bắt đầu ho. Thôi, Trời Phật cũng thông cảm cho mình.”
Chị im lặng một lúc, lại ngập ngừng nói: “Thôi anh cứ yên tâm về
đi, còn bà nội thằng Tí ở nhà nữa, anh về đi kẻo mẹ trông, em biết là mẹ mong
anh về lắm.”
Người chồng ngồi hẳn dậy, co hai chân lên vòng tay ôm qua đầu gối,
thở dài.
“Ừ, chắc anh nên về, em nói đúng, bà nội thằng Tí đang mong tin
lắm. Anh đã chia tiền ra từng gói nhỏ để em tiện chi tiêu. Tiền trả cho Bệnh
Viện chữa trị, tiền đưa bác sĩ thì anh để riêng, tiền đưa y tá, tiền lao công
anh cũng để riêng.”
Người vợ ngồi hẳn dậy, quấn lại cái chăn cho gọn, thu xếp mấy cái
túi đựng cả một gia đình lưu động của mình. Chị nhìn chung quanh một vùng bao
quát, trong ánh nắng sớm mai yên tĩnh mọi người chưa thức dậy hết. Họ nằm
ngang, nằm dọc, hay xoay chân ngược chiều nhau. Những bàn chân gầy gò, và những
cái đầu xơ xác tóc, họ đang ngủ hay đã thức rồi mà vẫn còn nằm im lo lắng bất
an. Mặt trời sẽ lên, thêm một ngày chờ đợi, đến bao giờ mới tới phiên mình, hay
phiên của người thân mình. Số tiền mang trong túi, cài hai ba cái kim cho chặt,
liệu có đủ trả tiền chạy chữa, tiền thuốc và tiền “phong bì” không?
. . . ”
Chuyện kể bên trên, từ bài viết “Bệnh Viện và Nghĩa Trang” của
Trần Mộng Tú. Đây chỉ là một chuyện. Mỗi một manh chiếu trước cổng bệnh viện,
hay bên dưới gầm giường bệnh nhân, là một câu chuyện tình. Mỗi câu chuyện có
khác nhau, nhưng cùng giống nhau cái thảm thương, nát lòng. Sau tháng Tư năm
1975, chuyện tình cha mẹ, con cháu, anh em,.. càng bao la, dạt dào, bất tận.
Nhất là, khi những người thân còn kẹt trong lao tù “cải tạo”. Những gia đình bị
kết tội là có liên hệ quân-cán-chính, với chính quyền miền Nam; … thân quyến không
những khổ vì phải nuôi chồng, nuôi con, mà còn triệu đắng nghìn cay vì cái lý
lịch gia đình ngụy quân, ngụy quyền. Các tầng lớp thường dân, họ cũng khổ không
kém; không phải chỉ khổ trong thập nhiên 80-90, mà cho mãi đến ngày hôm nay.
Khác hẳn với các bệnh viện dành cho cán bộ quan chức, kẻ có chức
vụ và lắm bạc tiền. Từ ngoài đường, nhìn qua là biết ngay bệnh viện dành cho
thường dân. Người chờ được khám bệnh và người nuôi bệnh nằm ngồi lê lết khắp
nơi; họ hứng trọn mưa nắng từ bên ngoài cổng bệnh viện, chen chúc bên dưới các mái
hiên, la liệt trên hành lang hay các nơi tựa được tấm lưng, chui rút ngay cả
bên dưới gầm giường bệnh. Người nuôi bệnh thường là cha mẹ nuôi con, hay những người
con nuôi bậc sinh thành; một số làm nghề nuôi bệnh mướn… Tại đây, người nhà
phải giúp cho người bệnh từ uống thuốc, miếng ăn, thức uống,… đến các việc dơ
bẩn khác. Đã thế, tất cả mọi dịch vụ từ cổng vào đến lối ra, trong khắp khu
bệnh viện, kể cả nuôi bệnh, đều phải có tiền lo lót, để sẵn trong các phong bì,
gọi là “tiền phong bì”. Phần người bệnh, tuy phải nằm chen chúc cùng giường với
các bệnh nhân khác, họ vẫn phải trả đúng theo giá nhà nước quy định cho mỗi
người, cho mỗi ngày. Trong đây, chừng như lương tâm và lòng bác ái của các bậc
mang danh phận thầy thuốc, cũng bị bệnh hoạn hay không còn chỗ để sống.
Những gia đình có người đàn ông còn kẹt trong trại tù “cải tạo”,
thì chuyện kể về mẹ, về cha, về người vợ trên quê hương mình chan chứa hàng
triệu xót xa. Chuyện từ góc phố buôn gánh bán gồng nuôi con ăn học. Chuyện dắt
díu nhau lên vùng kinh tế mới xa xôi, lam lũ cùng gió sương, đất đá, với sắn
khoai đói lạnh. Chuyện mẹ phải quay về thành thị “bán máu” nuôi con…
“Có lần tôi đi ngang. Qua vỉa hè Ðồng Khởi.
Một bà ôm chiếc gối. Ðứng hát như người say:
Khoan chết đã con trai.
Mẹ còn chờ mua sữa.
Mai Ba về có hỏi.
Mẹ biết nói sao đây.
Người biết chuyện cho hay. Chồng bà, đưa ra Bắc.
Từ khi con trai mất. Bà trở thành người điên.
Nhà bà là mái hiên. Tấm vải dầu che nắng.
Sớm chiều khoai với sắn. Heo hút với bầy con.
Bà ngày một héo hon. Bỏ vùng kinh tế mới.
Về Sài Gòn chen lấn. Giữa cuộc đời đắng cay.
Ðứa con út ốm đau. Vẫn hằng đêm đòi sữa.
Chẳng còn gì bán nữa. Ngoài giọt máu mẹ cha.
Khi trời vừa sáng ra. Bà lại lên Chợ Rẫy.
Lần nầy lần thứ mấy. Bà bán máu nuôi con.
Trên đường về đi ngang. Ghé cửa hàng mua sữa.
Bà gục người trước cửa. Suốt đêm mà không hay.
Ðứa con út đang đau. Chờ mẹ về chưa tới.
Qua đời trong cơn đói. Thiếu cả một vòng tay.
Khi bà về tới nơi. Thì con mình đã chết.
Bà ôm con lạnh ngắt. Ðứng hát như người say:
Khoan chết đã con trai.
Mẹ còn chờ mua sữa.
Mai Ba về có hỏi.
Mẹ biết nói sao đây.
Ðêm qua tôi nằm mơ. Thấy mình ôm chiếc gối.
Ðứng trên đường Ðồng Khởi. Và hát như người điên.”
… Đồng Khởi?!
Sau khi miền Nam mất Sài Gòn, không phải chỉ có những cái tên như
Đồng Khởi hay Nam kỳ khởi nghĩa…, còn nhiều tên đường kỳ dị, nghe xa lạ đối với
người dân miền Nam lắm! Câu chuyện thương tâm trên “vỉa hè Đồng Khởi”, mà anh
Trần Trung Đạo ghi lại trong “Bà Mẹ Điên”, không phải chỉ ở những tháng ngày
trước khi anh vượt biển tìm tự do, mà còn đầy dẫy ngày hôm nay. Chuyện “bán
máu” từ đó đến nay, đã trở thành những chuyện tầm thường. Cũng như các nước văn
minh tiến bộ, người dân miền Nam chỉ nghe biết chữ “hiến máu”, đây là nghĩa cử
nhân đạo, vì lòng bác ái. Thế nhưng, từ sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, miền Nam
có thêm một nghề rất lạ thường; lạ thường như cái tên của nó, đó là “bán máu”. Nghề
“bán máu” công khai và hợp pháp. Giá mua bán máu của bệnh viện thấp hơn giá chợ
đen. Thế nhưng, mua hay bán máu chợ đen, cũng đều phải qua các bệnh viện của
nhà nước. Nghề “bán máu”, trong cái xã hội chủ nghĩa, đúng nghĩa như tên gọi, được
trả tiền theo lượng máu mình bán. Người ta đi bán máu để có tiền duy trì sự
sống, cho người thân hay cho chính mình, để rồi lại bán đi chính sự sống đó của
mình. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ tiếp diễn!
Đã hơn 45 năm, quê nhà mình có quá nhiều chuyện thương tâm, hơn
chuyện mẹ bán máu nuôi con bên ngoài các cổng nhà thương, rồi kiệt lực chết.
Chết trước khi kịp mang tiền mua chút gạo nuôi con. Và rồi đứa con cũng chết vì
đói … Những câu chuyện thương tâm trong xã hội, không thể vướng bận nhà nước
của nó. Nghĩa trang cho cán bộ đảng, chắc hẳn phải quan trọng hơn bệnh viện cứu
trị cho dân; như bản tin ngày 2/2/2019 của báo Tuổi Trẻ:
“Theo đó, nghĩa trang Yên Trung thuộc
địa phận xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, nằm dưới chân núi Ba Vì, cách trung
tâm thành phố khoảng 40km về phía Tây; phía Bắc và Tây giáp Vườn Quốc gia Ba
Vì; phía Đông giáp đồi núi và đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; phía Nam là đồi
núi và khu dân cư.
Tổng diện tích toàn bộ nghĩa trang
lên tới 120ha. Nguồn vốn xây dựng nghĩa trang dự kiến hơn 1.400 tỷ đồng, lấy từ
ngân sách nhà nước
Nghĩa trang Yên Trung là nghĩa trang
cấp quốc gia, nơi an nghỉ, khu tưởng niệm lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước,
các anh hùng, danh nhân của đất nước sau khi từ trần.
Nghĩa trang có đầy đủ các hạng mục từ
nhà làm việc, đón tiếp, nhà dịch vụ, khu nghi lễ, khu vực tổ chức nghi lễ, đất
an táng (quy mô 2.200 - 2.500 ngôi mộ), đất cây xanh mặt nước, đất giao thông,
bãi đỗ xe và khu đệm cây xanh cảnh quan (sức chứa 5.000 người).”
Cán bộ đảng chưa chết đã được nhà nước lo chu toàn nơi chết. Chỉ
tại mỗi một nghĩa trang tên Yên Trung, đã có sức chứa đến 5.000 người chờ sẵn.
Người ta có quá nhiều cái đáng bận tâm hơn để củng cố đảng, để ca
ngợi chế độ đã ban cho những lợi danh. Bây giờ, báo chí và các bài viết trong
nước nhắc đến tên đường Đồng Khởi, với những tựa đề đập vào mắt, đánh bóng cho
chế độ cai trị như: “Con đường sang trọng bậc nhất”, “5 lý do khẳng định “Đẳng
cấp độc tôn” đường Đồng Khởi”,… Trên một tờ báo, tự hào là “trí thức trực
tuyến”, Mộc Trà đã kể lể: “Đồng Khởi xưa có tên là Catinat - còn có tên khác là
“Rue no.16” (thời Pháp thuộc). Từ đó đến nay, đường Đồng Khởi đã có hơn 150 năm
lịch sử, trở thành một trong những con đường lâu đời nhất tại thành phố. Với
một vị thế độc tôn và tầm quan trọng bậc nhất đối với kinh tế, văn hóa, chính
trị, du lịch, là sự kết hợp hoàn hảo, hòa quyện giữa lịch sử, hiện tại và tương
lai; đường Đồng Khởi xứng đáng với danh xưng “con đường vàng”, “trái tim” không
thể thay thế được của thành phố mang tên ….”
Nhiều bài, có đến cả ngàn chữ, cũng chỉ để nói nhắc đến con số 150
năm, chiều dài lịch sử của con đường, để rồi tung tăng ca tụng những “sang trọng
bậc nhất” bây giờ, nhờ công ơn xây dựng của đảng. Có lẽ, hơn 45 năm rồi, vốn đã
quen tuân theo những bài bản có chủ trương, quy định. Các bài viết về con đường
Đồng Khởi, tránh né nhắc đến chứng tích lịch sử vô cùng quan trọng: con đường
bị gọi là Đồng Khởi bây giờ, đã từng được mang tên Tự Do, từ năm 1954 đến tháng
4 năm 1975; trong suốt thời kỳ miền Nam Việt Nam còn tự do, khi thành phố vẫn
còn mang tên Sài Gòn, khi Sài Gòn vẫn còn đường Tự Do, đường Công Lý,… khi Công
Lý và Tự Do của miền Nam chưa bị tiêu hủy bởi “Đồng Khởi” và “Nam kỳ khởi
nghĩa”.
Mặt trời sẽ lên, thêm một ngày chờ đợi!
Ngày thêm ngày, người còn bị lùa chạy trên con đường một chiều, mải
miết xuôi theo dòng đời. Dòng đời mà đảng đã an bài cho dân. Dòng đời vô vọng. Bao
giờ tới phiên mình, hay phiên của người thân. Như Sài Gòn và những con đường đã
mất tên, Công Lý và Tự Do vẫn còn bị vùi dập trong các hố chôn lịch sử của nhà
cầm quyền.
Cho đến nghìn sau, lời đau nhớ mãi:
Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý!
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do!
Bùi Đức Tính