Friday, June 19, 2020

NGÀY QUÂN LỰC VNCH 19-6









Tìm Hiểu về ngày Quân Lực VNCH 19-6
Posted on June 7, 2017 by dongsongcu

Nguyễn-Huy Hùng – (K1 Trường VBQGVN)
Cả gia đình Tôi tới định cư tỵ nạn Cộng sản Việt Nam tại Hoa Kỳ, vào đầu tháng 8 năm 1992 theo diện H.O.10 (Humanitarian Operation), đến nay 2015 tính ra cũng được hai mươi hai năm rồi. Các cháu nội, cháu ngoại của Tôi đã tiếp theo nhau vào Đại học. Có người đã tốt nghiệp và đã đi làm, có người còn đang tiếp tục học nửa chừng, có người sắp sửa hết chương trình Trung học, có người mới vào Tiểu học. Bạn bè của các cháu, có người là Hoa Kỳ chính gốc da trắng, cũng có người là Mỹ gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ hay gốc các sắc tộc khác, đến nhà chơi trong những dịp Lễ hoặc kỷ niệm sinh nhật, biết Tôi là cựu Sĩ quan trong Quân lực Việt Nam Cộng Hoà ngày xưa, nên thường đưa ra những câu hỏi rất đơn giản và thành thật, yêu cầu Tôi giải thích cho họ rõ về 2 điểm mà họ thường thắc mắc sau đây:
1.- Ngày Quân Lực 19 tháng 6 là ngày kỷ niệm của Quân đội nước nào vậy?
2.- Việt Nam Cộng hoà đã tan rã không còn, tại sao các Ông vẫn hàng năm tổ chức ngày kỷ niệm Quân lực làm chi vậy?
Tôi đã trả lời cho những người bạn của các cháu, một cách tổng quát đơn giản cho qua truyện. Nhưng họ không chịu, nhất định yêu cầu Tôi phải soạn ra những câu trình bầy chi tiết hơn, để họ có thể dựa vào đó giải thích cho các bạn khác cũng thường thắc mắc muốn tìm hiểu như họ. Vì thế, Tôi đã phải cố gắng vận dụng trí nhớ, cũng như tham khảo các ngày tháng năm chính xác trong 3 cuốn sách dưới đây, để soạn thành một tài liệu hướng dẫn đơn giản, nhưng tạm đầy đủ để làm vui lòng họ. Các sách ấy là:
1.- Bộ Quân sử Quân đội Việt Nam, Quyển IV, nói về Quân lực Việt Nam Cộng Hoà giai đoạn hình thành 1946 -1955, do Phòng 5 Bộ Tổng Tham mưu QLVNCH sưu khảo, biên soạn và phổ biến ngày 6 tháng 8 năm 1972 tại Saigon.
2.- Việt Nam Niên biểu 1939-1975, Tập A và Tập B, của Chánh Đạo, do nhà xuất bản Văn Hoá phát hành năm 1996 tại Hoa Kỳ.
3.- Việt Nam Niên biểu Nhân vật chí, có ghi gần 900 tác nhân lịch sử cận đại từ 1848 tới 1975, cũng của Chánh Đạo, do nhà xuất bản Văn Hoá phát hành năm 1997 tại Hoa Kỳ.
Những điều Tôi trình bầy được gói ghém trong 3 mục chính sau đây:
I.- Vì sao có Quân lực Việt Nam Cộng Hoà (QLVNCH)?
II.- Vì sao chọn 19 Tháng 6 làm NGÀY QUÂN LỰC?
III.- Những kỷ niệm khó quên của riêng Tôi về ngày Quân lực VNCH.
Nay thấy nhiều Hội đoàn đã tổ chức các Đoàn Hậu Duệ, để hướng dẫn các thế hệ trẻ nhập cuộc hoạt động thay thế các Thế hệ Cha Ông tiếp tục công cuộc đấu tranh hỗ trợ cho đồng bào Việt Nam ở trong nước vùng lên lật đổ bạo quyền Việt Cộng, giành lại Tự do, Dân chủ, Nhân quyền, Bình đẳng cho mọi người. Do đó, Tôi thấy cũng là một việc làm rất hữu ích là nhờ các cơ quan truyền thông tiếp tay phổ biến rộng rãi tài liệu này, để bất cứ ai muốn tìm hiểu về NGÀY QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ 19 THÁNG 6, đều có sẵn tài liệu xử dụng mỗi khi cần đến, đỡ tốn công mất thì giờ tìm tòi sưu tập.
Với tuổi già, bệnh hoạn, trí nhớ bị suy yếu vì 13 năm chịu cảnh tù đầy lao động khổ sai trong các trại cải tạo của Việt Cộng sau 30-4-1975, nếu có điều nào ghi lại bị thiếu sót thì mong quý vị độc giả còn minh mẫn bổ túc giùm, Tôi chân thành cảm tạ.
I.- VÌ SAO CÓ QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA?

11.- Quan niệm chung về nhu cầu cần có Quân Lực.
Khi có một tập thể đông đảo người cùng chung nguồn gốc, hoặc nhiều Sắc tộc khác nhau nhưng sống bên nhau hoà thuận, theo cùng một chí hướng ước vọng giống nhau, đồng tâm hiệp lực sản xuất phát triển, để cùng có một cuộc sống ấm no hạnh phúc ngày một tân tiến hơn, thì nhóm người đó đương nhiên trở thành một DÂN TỘC và gọi nhau là ĐỒNG BÀO.
Khoảng KHÔNG GIAN trên Trái Đất mà Dân Tộc đó chiếm giữ và làm chủ, cũng đương nhiên được coi là LÃNH THỔ QUỐC GIA riêng của họ, không một Dân tộc nào khác được quyền xâm phạm, giành giật.
Trong cuộc sống tập thể đông đảo như vậy, nhu cầu duy trì trật tự bảo vệ an toàn cá nhân cho mọi người trong nội bộ Quốc gia, cũng như chống lại các THẾ LỰC NGOÀI DÂN TỘC muốn xâm lấn, uy hiếp, trấn lột cuộc sống bình an của Dân Tộc mình là cần thiết, nên đương nhiên cần phải có một lực lượng chuyên nghiệp võ trang hùng mạnh gọi là QUÂN ĐỘI hay QUÂN LỰC để chuyên lo.
Vì khoảng Không gian 3 chiều của mỗi Quốc gia gồm có: phần ĐẤT, phần TRỜI, và phần BIỂN, do đó muốn bảo vệ được hữu hiệu thì Tổ chức Quân đội cũng phải có đủ 3 loại Quân Chủng chuyên biệt khác nhau là: LỤC QUÂN, KHÔNG QUÂN, và HẢI QUÂN, để có thể hỗ tương nhau điều hành cuộc chiến tùy theo nhu cầu của mỗi hoàn cảnh tình huống khác nhau.
12.-Bối cảnh nào Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà được thành lập?
Suốt 61 năm, nước An-Nam bị Thực dân Pháp đô hộ (sau 1945 khi giành lại được Độc lập tên nước mới gọi là Việt Nam), các Triều đình nhà NGUYỄN kế tiếp nhau không được phép có Quân đội riêng, chỉ có Lực lượng Cảnh vệ trang bị vũ khí thô sơ gọi là LÍNH LỆ, LÍNH DÕNG, chuyên canh gác các Dinh thự, bảo vệ an ninh, hầu hạ Vua và các Quan chức trong Triều đình. Tại các Phủ, Huyện hành chánh thống thuộc Hoàng Triều có LÍNH CƠ. Trực thuộc các phủ Thống Sứ (Bắc Kỳ), Khâm Sứ (Trung Kỳ) và Thống Đốc (Nam Kỳ) có lực lượng địa phương mà tại Bắc Kỳ là các đơn vị Lính Khố Xanh. Lực lượng chính quy của Phủ Toàn Quyền Pháp tại Đông Dương là các Trung Đoàn Bộ Binh hoặc Pháo Binh Thuộc Địa (Regiment d’Infanterie ou Artillerie Coloniale) thường được gọi là Lính Khố Đỏ.
Sau khi Thế giới Đại Chiến II chấm dứt, Việt Nam giành lại được Độc lập cho Quốc gia thì Quân đội Quốc gia Việt Nam mới được thành lập.
Trên lãnh thổ Việt Nam, vào ngày Chủ Nhật 11 tháng 3 năm 1945 (hai ngày sau khi quân Nhật lật đổ Pháp nắm toàn quyền cai trị Đông Dương), Vua Bảo Đại được Vua Nhật giúp tái lập Quốc Gia Việt Nam Độc Lập (thống nhất cả 3 miền Bắc Trung Nam) trong Khối Đại Đông Á do Nhật chủ xướng. Ông Trần Trọng Kim đã được Vua Bảo Đại cử làm Thủ Tướng thành lập chính phủ điều hành Quốc gia, và ban bố chương trình hưng quốc vào ngày 8 tháng 5 năm 1945, trong đó quy định Quốc Kỳ là cờ Quẻ Ly, nền vàng giữa có biểu tượng Quẻ Ly mầu đỏ nằm dọc theo bề dài nền cờ (2 vạch dài liền, nằm song song 2 bên 1 vạch đứt quãng chính giữa, trông như chữ CÔNG của Hán tự). Quốc Ca là bài “Việt Nam minh châu trời Đông” của nhạc sĩ Hùng Lân.
Việt Nam minh châu trời Đông!
Việt Nam nước thiêng Tiên Rồng!
Non sông như gấm hoa uy linh một phương,
Xây vinh quang ngất cao bên Thái Bình Dương.
Từ ngàn xưa tài danh lừng lẫy khắp nơi,
Tiếng anh hùng tạc ghi núi sông muôn đời.
Máu ai còn vương cỏ hoa,
Giục đem tấm thân xẻ với sơn hà.
Giơ tay cương quyết, Ta ôn lời thề ước.
Hy sinh tâm huyết, Ta báo đền ơn nước.
Dầu thân này nát tan tành gói da ngựa cũng cam,
Thề trọn niềm trung thành với sơn hà nước Nam.
Khoảng 5 tháng sau, quân Phiệt Nhật đầu hàng vào ngày 15 tháng 8 năm 1945, Liên Hiệp Quốc cử các lực lượng quân sự của Trung Hoa Dân Quốc và Anh Quốc vào lãnh thổ Đông Dương để giải giới quân Nhật, và tiếp giúp cho các Dân tộc bản Xứ (Annam, Lào, Cao Miên) tái lập Quốc gia độc lập thoát khỏi ách đô hộ của Pháp.
Rồi vào ngày 17 tháng 8 năm 1945 (hai ngày sau khi Vua Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh do Hoa Kỳ lãnh đạo), các đoàn thể Công chức và quần chúng Việt Nam họp mít tinh trước Nhà Hát Lớn tại Hà nội, để ủng hộ ông Trần Trọng Kim tiếp tục làm Thủ Tướng, nhưng đã bị nhóm Việt Minh của Hồ Chí Minh trà trộn vào lèo lái biến thành cuộc xuống đường đòi Chính phủ Trần trọng Kim từ chức. Đồng thời, nhóm Hồ Chí Minh và Việt Minh cũng đưa người vào Huế làm áp lực buộc Vua Bảo Đại phải thoái vị, để nhường quyền cho nhóm Việt Minh thành lập các Ủy ban Nhân dân Cách mạng thay thế các tổ chức hành chánh của Chính phủ Trần trọng Kim.
Sau đó phe Việt Minh Cộng sản của Hồ Chí Minh vận động các Đoàn thể chính trị Quốc gia không theo Cộng sản hoà hợp với chúng để thành lập chính phủ Liên Hiệp điều hành đất nước. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh với tư cách Chủ tịch Chính phủ Liên Hiệp đại diện đứng ra tuyên bố NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CÔNG HOÀ ĐỘC LẬP, không còn lệ thuộc vào Pháp nữa.
Nhưng đến ngày 6 tháng 3 năm 1946, Hồ Chí Minh lại lợi dụng danh nghiả Chủ Tịch Chính phủ Liên Hiệp, phản bội Tổ Quốc Việt Nam bằng cách ám muội ký với Saintenay (Đại diện Pháp) đang sống tại HàNội, Bản Hiệp Định Sơ Bộ 6-3-1946, chấp nhận cho Pháp đổ quân lên trấn đóng tại nhiều Thành phố lớn tại miền Trung và miền Bắc Việt Nam kể cả HàNội, sau khi Pháp đã chiếm và đóng quân tại các tỉnh thuộc miền Nam Vĩ Tuyến 16 của Việt Nam vào cuối tháng 1 năm 1946.
Đến ngày 19 tháng 5 năm 1946, Hồ Chí Minh và phe Việt Minh của hắn chính thức đón tiếp quân Pháp đổ bộ lên thành phố cảng Hải Phòng và tiến lên HàNội, bằng cách cho quân Việt Minh hộ tống bảo vệ an ninh lộ trình và treo cờ Đỏ sao vàng khắp ngang cùng ngõ hẻm để gọi là phô trương thanh thế giả để cho quân Pháp tưởng rằng Hồ Chí Minh và Việt Minh đang được toàn dân Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ. Việc làm này bị các đảng và Đoàn thể chính trị Quốc gia không Cộng sản trong Chính phủ Liên Hiệp phản đối, nên phe Việt Minh trong chính phủ Liên Hiệp phải gian xảo ra quyết định chỉ thị toàn dân treo cờ là để MỪNG SINH NHẬT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH.
Các tài liệu tham khảo của các nhà nghiên cứu trên toàn Thế giới, nhất là các tang chứng hồ sơ hành chánh của chính quyền Pháp về Hồ Chí Minh và Cha của hắn ta (một cựu quan lại bị cách chức vì tội tham nhung say rượu đánh chết dân lành) đều cho người ta biết rõ rằng ngày 19-tháng 5 không phải là ngày sinh của Hồ Chí Minh. Cái mưu xảo quyệt này của bọn Việt Cộng chẳng làm hại gì chotinh thần quân lính của Pháp, nên Chính quyền Pháp đã lặng thinh không thèm có ý kiến gì cả. Chỉ có người dân chân chất Việt Nam bị mắc lừa mà thôi.
Sau hơn 7 tháng quân Pháp được công khai an toàn đóng quân và củng cố vị trí an ninh ngay giữa các thành phố lớn, nhiều điều xích mích đã xẩy ra về chia chác quyền hành cai trị giữa Việt Minh và Pháp, ngay trong các thành phố đã không được giải quyết ổn thoả. Nên tối ngày 19 tháng 12 năm 1946, Hồ Chí Minh và phe nhóm Việt Minh đã phát động cuộc tấn công các điạ điểm trú quân của quân Pháp tại tất cả các thành phố đang có quân Pháp trú đóng. Nhưng rất tiếc vì trang bị vũ khí thô sơ, tổ chức quân chưa hoàn chỉnh nên Việt Minh đã bị thua phải bỏ các thành thị rút vào “bưng” để tiếp tục tiêu thổ kháng chiến. Quân Pháp toàn thắng, bắt đầu tái dụng các Quan lại thời đô hộ cũ, và nhóm con lai Pháp, lập hệ thống Hành chánh cai trị, giúp dân chúng tái tạo cuộc sống bình thường tại các Đô thị. Chiến tranh tiếp tục lan tràn qua các tỉnh kế cận Hà Nội, đến các vùng nông thôn, dân chúng phải sống giữa 2 gọng kềm VIỆT MINH và PHÁP, vô cùng thảm thương bi đát.
Trước hoàn cảnh đó, các Nhân sĩ Việt Nam thương nước yêu nòi và thành viên các Đảng phái Quốc gia Không Cộng sản, thoát chết sau vụ Việt Minh tàn sát hồi đầu năm 1946, ngồi lại với nhau tìm giải pháp ôn hoà giành lại Độc lập cho đất nước mà không phải phung phí xương máu của Dân tộc vì chiến tranh, đã đi đến kết luận vận động mời Cựu Hoàng Bảo Đại đang lưu vong tại Hồng Kông, đứng ra thương thuyết với Chính phủ Pháp, tái dựng QUỐC GIA VIỆT NAM ĐỘC LẬP THỐNG NHẤT cả 3 miền, trong KHỐI LIÊN HIỆP PHÁP.


Ngày 19 tháng 8 năm 1947, Cựu Hoàng Bảo Đại từ Hồng Kông tuyên bố bằng lòng đứng ra tiếp xúc điều đình với Chính phủ Pháp. Cuộc vận động kéo dài mãi tới ngày 5 tháng 6 năm 1948, trên chiếc tầu biển DUGUAY TROUIN neo tại Vịnh HẠ LONG, Cựu Hoàng Bảo Đại mới tới để chứng kiến Thiếu tướng NGUYỄN VĂN XUÂN Thủ Tướng và mấy vị ĐẠI DIỆN CÁC MIỀN BẮC TRUNG NAM thuộc Chính phủ Trung Ương Lâm thời Việt Nam Thống Nhất, cùng Ông BOLLAERT (đại diện Chính phủ Pháp) ký bản HIỆP ƯỚC HẠ LONG, công nhận QUỐC GIA VIỆT NAM ĐỘC LẬP, THỐNG NHẤT CẢ 3 MIỀN BẮC – TRUNG -NAM, trong KHỐI LIÊN HIỆP PHÁP.
Cờ Quốc gia Việt Nam mới là Nền Vàng với Ba Sọc Đỏ nằm dài chính giữa (theo hình Quẻ Càn của Bát quái trận đồ)và Quốc Ca là bài “Tiếng gọi công dân” nhạc của Lưu Hữu Phước(nguyên là đoạn 1 của bài “Sinh viên hành khúc” nhưng lời ca được sửa đôi chỗ. Bài “Sinh viên hành khúc” nguyên thủy gồm 3 đoạn đã được các Sinh viên Viện Đại học Hà Nội trình bầy hợp ca lần đầu tiên trong buổi trình diễn văn nghệ ngày 15-3-1942 tại hội trường Viện Đại học, để gây quỹ giúp các bệnh nhân nghèo trong các Bệnh viện nơi Sinh viên Y khoa thực tập.) Hiện nay, cả Quốc kỳ và Quốc Ca nói trên vẫn được người Việt lưu vong tỵ nạn Cộng sản coi là biểu tượng Quốc gia gốc của mình. Đặc biệt Quốc Kỳ Việt Nam (nền vàng ba xọc đỏ) còn được Ủy ban Văn Hoá Liên Hiệp Quốc và nhiều Thành phố, Quận, Tiểu Bang Hoa Kỳ ra Nghị Quyết chính thức công nhận là Quốc kỳ nguyên thủy của Cộng đồng người Mỹ gốc Việt, treo song hành với Quốc kỳ Hoa Kỳ tại các nơi công cộng, suốt dọc các đuờng phố chính trong khu thương mại đông cửa hàng do người Mỹ gốc Việt làm chủ, vào những ngày kỷ niệm như Quốc hận 30 tháng 4, Quân Lực VNCH 19 tháng 6, và thường xuyên quanh năm suốt đêm ngày tại các đài tưởng niệm Chiến binh Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng hoà trên toàn Hoa Kỳ. Ngoài ra, trong cuộc Diễn hành Văn hoá Quốc tế hàng năm do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại New York nơi có trụ sở của Liên Hiệp Quốc, thì đoàn Đại diện dân tộc Việt Nam tham dự là Cộng đồng người Mỹ gốc Việt với rừng Quốc kỳ VN (nền vàng ba sọc đỏ).
Một ngày sau khi ký Hiêp Ước Hạ Long, tức là ngày 6 tháng 6 năm 1948, Quốc Trưởng BẢO ĐẠI chỉ thị Thiếu Tướng Nguyễn văn Xuân Thủ Tướng Chính phủ Trung Ương của nước Việt Nam Thống Nhất cả 3 Miền, xúc tiến việc thành lập QUÂN ĐỘI QUỐC GIA VIỆT NAM (QĐQGVN), khởi sự bằng việc tổ chức TRƯỜNG SĨ QUAN VIỆT NAM HIỆN DỊCH tại Huế (tiền thân của Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, sau này vào thời Đệ Nhất Cộng Hoà tại miền Nam do ông Ngô Đình Diệm làm Tổng Thống, lại cải danh thành TRƯỜNG VÕ BỊ QUỐC GIA VIỆT NAM, có giá trị tương đương với các trường Võ bị Lục quân Saint Cyr của Pháp và West Point của Hoa Kỳ) để đào tạo cấp Chỉ huy, trước khi thành lập các ĐƠN VỊ TÁC CHIẾN và CƠ SỞ QUẢN TRỊ YỂM TRỢ TIẾP VẬN HÀNH CHÁNH QUÂN ĐỘI.
Ngày 1 tháng 6 năm 1949, Khóa Sĩ Quan Hiện dịch đầu tiên tốt nghiệp tại Huế, được đặt tên là Khoá BẢO ĐẠI (sau 1956 đổi tên là Khoá Phan Bội Châu) cung cấp cho Bộ Quốc Phòng chính phủ Việt Nam 53 THIẾU ÚY hiện dịch. Đồng thời 4 TIỂU ĐOÀN VIỆT NAM đầu tiên cũng được khởi sự thành lập tại 2 miền Nam và Bắc Việt Nam: -Tiểu đoàn 1 VN (Bặc Liêu), -Tiểu đoàn 2 VN (Thái Bình), -Tiểu đoàn 3 VN (Rạch Giá), -Tiểu đoàn 4 VN (Hưng Yên). (Bản thân người viết được cái vinh dự là một trong số 53 Sĩ quan Hiện dịch tốt nghiệp Khoá đầu tiên nêu trên, và được bổ nhiệm về Tiểu đoàn 2 VN tuyển mộ thành lập tại Hànội và Hải phòng từ ngày 1-6-1949, huấn luyện xong vào khoảng tháng 10-1949 tập trung tất cả về HàNội, và khởi sự xuất phát đi hành quân tại các vùng Bắc Ninh, Hoà Bình, Đông Triều, Hưng yên, rồi tiến sang tỉnh Thái Bình trụ quân tại đó ít lâu sau lại di chuyển về Sơn Tây, Hà Đông…).
Đến tháng 6 năm 1950, với sự thoả thuận của QUỐC HỘI PHÁP và sự thông báo chính thức của CHÍNH PHỦ HOA KỲ đồng ý cung cấp viện trợ Quân sự cho Việt Nam, Thủ Tướng TRẦN VĂN HỮU mới chính thức công bố thành lập QUÂN ĐỘI QUỐC GIA VIỆT NAM CHỐNG CỘNG SẢN, với quân số 60,000 người, chia ra phân nửa CHỦ LỰC QUÂN và phân nửa PHỤ LỰC QUÂN.
Hai năm sau khi thi hành Hiệp Ước Đình Chiến Genève tháng 7 năm 1954, không có tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất 2 miền Bắc và Nam Việt Nam như quy định. Tại miền Nam Việt Nam, nhân dân đồng lòng qua một cuộc “Trưng cầu Dân ý truất phế Quốc trưởng Bảo Đại” để thành lập nước VIỆT NAM CỘNG HÒA và ủy nhiệm ông NGÔ ĐÌNH DIỆM làm Tổng Thống, ông này đã quyết định cải danh QUÂN ĐỘI QUỐC GIA VIỆT NAM thành QUÂN ĐỘI VIỆT NAM CỘNG HOÀ.
II.- VÌ SAO CHỌN 19 THÁNG 6 LÀM NGÀY QUÂN LỰC?
Suốt từ khi Quân Đội Quốc Gia Việt Nam được thành lập dưới thời Quốc trưởng BẢO ĐẠI, qua thời Ông NGÔ ĐÌNH DIỆM làm Tổng Thống đổi tên là Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà. Đến khi giới quân nhân lên cầm quyền danh hiệu này được đổi lại là Quân Lực VNCH. Cả 2 vị Nguyên thủ Quốc gia này đều chỉ thị Bộ Tổng Tham Mưu nghiên cứu đề nghị một NGÀY KỶ NIỆM RIÊNG CHO QUÂN LỰC, để hàng năm tổ chức biểu dương lực lượng cho mọi người thấy được sự lớn mạnh của Quân Lực Việt Nam, và ghi nhớ công ơn các TỬ SĨ (Quân đội và Đồng bào các giới) đã VỊ QUỐC VONG THÂN để bảo vệ Tự do Dân chủ Nhân quyền Phồn vinh Hạnh phúc cho Dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ Thống nhất của Quốc gia Việt Nam. Nhưng chưa cuộc nghiên cứu nào được hoàn tất, thì các biến cố thay đổi lịch sử thời đại đã tiếp theo nhau xẩy ra trên đất nước Việt Nam thân thương của chúng ta.
Cho tới ngày 19 tháng 6 năm 1965, QLVNCH chính thức nhận viết một trang sử mới, lãnh trách nhiệm với toàn DÂN đứng ra thành lập Chính phủ điều hành quản trị đất nước theo hình thức JUNTA (Có Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, Chủ Tịch giữ vai trò QUỐC TRƯỞNG, và Ủy ban Hành pháp Trung ương, Chủ Tịch giữ vai trò Thủ Tướng)rồi cải tiến nền ĐỆ NHẤT CỘNG HOÀ (theo mô thức Hoa Kỳ, Tổng Thống đích thân điều hành chính phủ) sang nền ĐỆ NHỊ CỘNG HOÀ (theo mô thức Pháp, dưới Tổng Thống và Phó Tổng Thống có thêm Thủ Tướng điều hành chính phủ)thì Tướng NGUYỄN VĂN THIỆU, Chủ Tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, mới ban hành văn kiện chính thức quy định ngày 19 THÁNG 6 là ngày kỷ niệm hàng năm của Quân lực Việt Nam Cộng hoà.

III.- NHỮNG KỶ NIỆM KHÓ QUÊN CỦA RIÊNG NGƯỜI VIẾT, VỀ NGÀY QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ 19 THÁNG 6.
Mỗi lần kỷ niệm NGÀY QUÂN LỰC 19 THÁNG 6, mỗi người tùy theo hoàn cảnh riêng đều ghi nhớ những kỷ niệm khác nhau. Phần cá nhân Tôi được may mắn phục vụ lâu năm trong các Cơ Sở Trung Ương, thống thuộc Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH tại Saigon, nên ghi nhận được nhiều kỷ niệm đặc biệt, mà các chiến hữu phục vụ tại các địa phương, cũng như các Đồng bào ít quan tâm đến các sinh hoạt QUÂN ĐỘI không thấy được. Vậy Tôi xin kể ra đây để Qúy độc giả cùng chia sẻ những điều thích thú đó:
A.- 19 tháng 6 năm 1966, kỷ niệm NGÀY QUÂN LỰC lần đầu tiên, cũng là ngày kỷ niệm một năm hoạt động của Chính phủ NGUYỄN CAO KỲ, nên ĐẠI HỘI ĐỒNG QUÂN LỰC e ngại nếu tổ chức rềnh rang giữa Thủ đô Saigon, thì có thể bị BÁO CHÍ và các NHÓM ĐỐI LẬP phê phán là phung phí, kiêu binh, nên đã tổ chức rất khiêm tốn trong lãnh địa của Bộ Tổng Tham mưu QLVNCH (Trại Trần Hưng Đạo, Tân Sơn Nhất). Một số Đơn vị đại diện Hải, Lục, Không quân thuộc Chủ lực Quân, Địa phương quân, Nghiã quân, và Cảnh sát Quốc gia, được điều động về tham dự trong tinh thần đoàn kết HUYNH ĐỆ CHI BINH thắm thiết. (Lúc đó Tôi là Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Trung Ương Địa phương quân và Nghĩa quân, trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH tại Saigon, do Đại tá Trương văn Xương làm Chỉ huy trưởng.) Đặc biệt trong cuộc duyệt binh này, có một hình ảnh rất ngộ nghĩnh dễ thương không bao giờ quên được là, Tướng VĨNH LỘC cùng Bộ Tham mưu Quân đoàn II từ PLEIKU về tham dự, ai cũng choàng ra ngoài bộ quân phục chiếc áo SẮC PHỤC THƯỢNG miền Cao nguyên Trung phần Việt Nam, và ngồi trên lưng những con ngựa vùng Cao nguyên nhỏ thó, chớ không ngồi trên những chiếc xe Chỉ huy có cần Ăng-ten như các vị Tư lệnh khác.





B.- Năm 1967, để cùng toàn dân hân hoan đón mừng NỀN ĐỆ NHỊ CỘNG HOÀ sắp ra đời vào tháng 10, NGÀY QUÂN LỰC kỷ niệm lần thứ 2 được tổ chức rầm rộ trên Đại lộ TRẦN HƯNG ĐẠO, suốt từ dọc Bến Bạch Đằng trước Bộ Tư lệnh Hải quân, qua Công viên Quách thị Trang trước chợ BẾN THÀNH Saigon vào tận CHỢ LỚN. Một đặc điểm đáng ghi nhớ về ngày kỷ niệm Quân lực lần thứ 2 này là, việc xây dựng đồng loạt những Tượng đài THÁNH TỔ các Quân Binh Chủng và Ngành chuyên môn trong QLVNCH, Địa phương quân – Nghĩa quân, và Cảnh sát Quốc gia, tại tất cả các Công viên lớn trong Thủ đô SAIGON, để Đồng bào và Du khách ngoại quốc có dịp ghé Saigon chiêm ngưỡng chụp hình kỷ niệm. Việc xây dựng các Tượng đài này còn có mục đích quan trọng khác là chiếm hết các công viên lớn, để các nhóm chống đối Chính Phủ hồi đó, không còn nơi dựng các đài kỷ niệm hay hình tượng các cuộc tranh đấu và các nhân vật họ tung hô, thần thánh hoá.
C.- Sau Quốc hận 30-4-1975, vào ngày 19 tháng 6 năm 1988 tại Saigon đã xẩy ra một sự việc thật quan trọng không bao giờ quên được là, CỘNG ĐỒNG NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM không được phép tổ chức lễ quy mô, trọng thể để vinh danh hơn 1OO VỊ TỬ ĐẠO VIỆT NAM ĐƯỢC PHONG THÁNH theo lệnh của Toà Thánh Vatican, chỉ vì ngày 19 tháng 6 là ngày kỷ niệm của QLVNCH thuộc Chế độ Saigon cũ. (Đây là lời của Đại diện Chính quyền Cộng sản địa phương giải thích cho một vị Linh Mục cư ngụ tại Nhà Thờ 3 Chuông (Saint Thomas) Phú Nhuận, Saigon. Ngài đã nói lại cho biết nhân dịp Tôi ghé thăm và tâm tình về các truyện thời sự). Vị Linh mục khả kính này quen Tôi từ hồi còn bị giam chung trong Trại Z30D quận Hàm Tân tỉnh Thuận Hải. Ngài nguyên là Giáo sư thuộc một Dòng tu của Thiên Chúa Giáo tại Thủ Đức trong lãnh thổ tỉnh Gia Định, bị giam cả chục năm trời chỉ vì một tội “âm mưu vượt biên” mà chính quyền địa phương gán cho Ngài. Thực ra Ngài không bao giờ có ý định vượt biên, mà chỉ cải trang mặc đồng phục cán bộ Việt Cộng, để di chuyển được dễ dàng đến các nơi xa xôi hẻo lánh gặp “con chiên” thừa hành Mục vụ theo chức năng Linh mục mà thôi.
D.- Suốt 20 năm qua, định cư tỵ nạn Cộng sản tại khu Little Saigon Quận Orange Nam California (Thủ đô tinh thần của người Việt tỵ nạn Cộng sản), có dịp được tham gia nhiều kỳ tổ chức Lễ kỷ niệm NGÀY QUÂN LỰC 19 THÁNG 6, Tôi đã ghi nhận được một số kỷ niệm xúc động không sao quên được sau đây:
D1- Năm 1994, Tổng Hội Ái hữu Chiến tranh Chính trị QLVNCH Hải ngoại tại Nam California, được các Hội đoàn Ái hữu Quân đội các Quân Binh chủng khác ủy nhiệm đứng ra phối hợp tổ chức NGÀY QUÂN LỰC tại GARDEN GROVE PARK, rất rầm rộ, có phi cơ bay trên nền Trời Quận Orange kéo theo Đại kỳ Việt Nam Cộng Hoà (nền vàng 3 sọc đỏ), có Cựu chiến binh Hoa Kỳ nhẩy dù xuống ngay vị trí hành lễ mang theo Quốc kỳ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hoà. Buổi lễ được rất đông Đồng hương tỵ nạn CSVN hưởng ứng tham dự, điều này chứng tỏ rằng TÌNH QUÂN DÂN CÁ NƯỚC VIỆT NAM CỘNG HOÀ chưa hề phai lạt sau bao nhiêu năm lưu vong. Một hiện tượng khác cũng rất đặc biệt là, lần đầu tiên được cả chục vị Tướng nguyên thuộc Hải, Lục, Không quân QLVNCH và Phu nhân, đang cư ngụ tại các vùng thuộc Quận Orange, Quận Los Angeles, và Quận Riverside cũng đến tham dự. (Lúc đó Tôi là Phó Chủ tịch Ngoại Vụ của Ban Chấp hành Tổng Hội Ái hữu Chiến tranh Chính trị Hải ngoại tại Nam California, do cố Trung tá Nguyễn Ngọc Thông làm Chủ tịch Tổng hội.)
D2- Năm 1995, Hội Ái hữu Cựu Sinh viên Sĩ quan Trường Võ bị QGVN Nam California, đến lượt được giao trách nhiệm phối hợp tổ chức NGÀY QUÂN LỰC, đồng thời vận động thành lập LIÊN HÔI CỰU CHIẾN SĨ VIỆT NAM CỘNG HOÀ NAM CALIFORNIA. Liên Hội đã được thành lập và Ngày Quân lực được tổ chức tại Công viên trước Toà Thị Chính Thị xã Westminster.Lần đầu tiên trong lịch sử tỵ nạn Cộng sản tại Nam California, người ta thấy lá QUỐC KỲ VIỆT NAM CỘNG HOÀ được trang trọng kéo lên song hàng với lá QUỐC KỲ HOA KỲ, ngay tại các cột cờ danh dự trước Toà Thị Chính của Thị xã Westminster, mặc dù Chính phủ Hoa Kỳ đã lập bang giao với Cộng sản Việt Nam. Nhân dịp này, Hội đồng Nghị viên Thành phố Westminster cũng đã đọc bản QUYẾT NGHỊ công nhận NGÀY QUÂN LỰC VNCH 19 THÁNG 6 là một biến cố được ghi thêm vào danh sách các ngày kỷ niệm của Thành phố Westminster. Các Sự kiện này đã làm Tôi và mọi người có mặt trong buổi lễ, xúc động nghẹn ngào, rưng rưng lệ, xót xa cho hoàn cảnh đại nạn của dân tộc VIỆT NAM chúng ta ở trong nước, đang còn phải chịu đựng sự cai trị tàn bạo vô nhân đạo của Đảng và Bạo quyền Việt Cộng. Đài phát thanh BBC bên Anh quốc, cũng loan tin phóng sự buổi lễ này trong giờ phát thanh tiếng Việt của họ về Việt Nam, cho mọi người trong nước và trên toàn Thế giới cùng biết.
Nguyễn-Huy Hùng (Khoá 1, Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam) trình bầy ý nghiã Ngày Quân lực 19 tháng 6.
D3- Đặc biệt năm 1999, ông FRANK FRY Thị trưởng của Thành phố Westminster được mời đến tham dự NGÀY QUÂN LỰC 19 THÁNG 6, trong lời phát biểu ý kiến ông đã kêu gọi phát động việc gây quỹ xây dựng tại Thị xã Westminster một TƯỢNG ĐÀI KỶ NIỆM CÁC CHIẾN BINH HOA KỲ VÀ VIỆT NAM CỘNG HOÀ đã hy sinh trong cuộc chiến chống Cộng sản để bảo vệ Tự do, Dân chủ, Nhân quyền cho dân tộc Việt Nam trước 30 tháng 4 năm 1975. Ông ta hăng hái làm việc này để giữ lời hứa với cử tri người MỸ GỐC VIỆT từ mùa Thu năm 1996, lúc ông ta đến vận động tranh cử chức Thị trưởng tại Trung tâm sinh hoạt người Việt Quốc gia trên đường Moran bên hông thương xá Phước Lộc Thọ khu Little Saigon, nhân buổi lễ bàn giao trách vụ Chủ Tịch Khu Hội Cựu Tù nhân Chính trị Nam California giữa Giáo sư Phan Ngô (tiền nhiệm) và Tôi (Nguyễn-huy Hùng tân nhiệm), trước sự hiện diện đông đủ các Hội trưởng thuộc Liên hội Cựu Chiến sĩ VNCH Nam California, Đại diện các Đoàn thể và Đảng Chính trị Việt Nam lưu vong, một số Nhân sĩ Hoa Kỳ, Mỹ gốc Việt, và khoảng 300 anh chị em Cựu Tù nhân Chính trị thuộc Khu Hội Nam California.
Theo dự tính thì Tượng đài phải hoàn tất và khánh thành vào Ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 2000. Nhưng vì công trình này làm mất thể diện và giảm uy tín của Bạo quyền Việt Cộng trước dư luận Thế giới một cách trầm trọng, nên Toà Tổng Lãnh sự Việt Cộng tại San Francisco và Toà Đại sứ của chúng tại Hoa Thịnh Đốn đã chính thức gửi văn thư đến Chính quyền Hoa Kỳ lên tiếng phản đối, đồng thời xúi giục bầy mưu cho bọn tay sai trở cờ đón gió muốn hoà hợp hoà giải với chúng, tìm đủ mọi cách gây cản trở làm trì trễ các tiến trình thực hiện tại Thị xã Westminster. Nhưng, với quyết tâm của mọi người (trong đó có cả các vị ĐẠI DIỆN DÂN CỬ thuộc Tiểu bang California và Liên bang Hoa Kỳ) mọi khó khăn đã được giải quyết vượt qua một cách ổn thoả, chỉ có tiến trình thực hiện là không hoàn thành được đúng thời hạn như mong muốn mà thôi.
Ngày 20 tháng 1 năm 2001 (tức là ngày 26 tháng Chạp năm Canh Thìn), tại khu đất Thị xã Westminster dành để xây dựng Tượng đài Chiến binh Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hoà, Tổng Hội Sinh viên Nam California đã tổ chức Hội chợ Tết Tân Tỵ (2001), trong chương trình Lễ Khai mạc Hội chợ có ghi một mục quan trọng chính yếu là Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Tượng đài. Rất đông Đồng hương Việt Nam và Hoa Kỳ cùng các vị Dân Cử và Giới chức Công quyền Hoa Kỳ địa phương đến tham dự.
Năm 2002, mọi thủ tục hành chánh và kỹ thuật được hoàn tất đúng theo đòi hỏi. Trong một buổi họp công khai trước sự hiện diện của quần chúng, Hội đồng quản trị thị xã Westminster đã biểu quyết chấp thuận cho khởi công xây cất Tượng đài. Việc đấu thầu lựa chọn công ty đảm nhiệm xây cất được thực hiện kỹ lưỡng, và ngày 29 tháng 4 năm 2002, thị xã Westminster và Ủy ban xây dựng tượng đài long trọng tổ chức “Lễ xới đất” khởi công xây dựng khu CÔNG VIÊN TỰ DO. Ngày 23 tháng 9 năm 2002, pho tượng 2 Chiến binh Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hoà được di chuyển từ xưởng đúc của điêu khắc gia Nguyễn Tuấn tại Laguna Beach về thị xã Westminster, để an vị trên đài nơi chính giữa CÔNG VIÊN TỰ DO (Sid Goldstein Freedom Park) đường All American Way (tên cũ là đường Monroe).
Năm 2003, Lễ khánh thành CÔNG VIÊN TỰ DO, trong đó có TƯỢNG ĐÀI CHIẾN BINH HOA KỲ-VIỆT NAM CỘNG HOÀ hiên ngang đứng trước 2 cột cao trương cờ Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng hòa (nền vàng 3 sọc đỏ) tung bay, và lư hương vĩ đại với ngọn lửa thiêng bập bùng cháy quanh năm suốt ngày đêm, đã được tổ chức trọng thể vào lúc 11 giờ ngày 27 tháng 4. Cũng kể từ ngày đó Công viên mở cửa đón khách thập phương đến chiêm ngưỡng nườm nượp quanh năm. Đây là một Tượng đài di tích lịch sử vĩ đại có một không hai trên Thế giới, được những người yêu chuộng Tự do Dân chủ Nhân quyền đóng góp hoàn thành đúng mốc thời gian giao điểm giữa 2 Thế Kỷ 20 và 21. Đặc biệt là trong số những người được Ban tổ chức mời lên phát biểu trong buổi lễ khánh thành có Tướng Lâm Quang Thi.
Tượng đài Chiến binh Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng Hoà tại Thị xã Westminster đem lại niềm vinh dự lớn lao cho Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hoà, là biểu tượng cho gương hy sinh và tinh thần chiến đấu kiên trì bất khuất của những người Chiến sĩ yêu chuộng Tự do Dân chủ và Hoà bình của Nhân loại, và làm sáng danh CHÍNH NGHĨA của QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA trong cuộc chiến chống Cộng sản Quốc tế từ tháng 6 năm 1949 đến 30 tháng 4 năm 1975 trên đất nước Việt Nam, tiền đồn của Thế giới Tự do ngăn cản làn sóng Cộng sản Quốc tế lan tràn xâm chiếm toàn vùng Đông Nam Á Châu và Thái Bình Dương.
Tượng đài Chiến binh Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng Hoà tại Thị xã Westminster vĩnh viễn hiện diện xuyên thời gian để nhắc nhở những ai trong quá khứ đã từng khoác áo lính Việt Nam Cộng Hoà, hay không khoác áo lính nhưng đã cùng đứng dưới lá CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ chiến đấu chống Cộng sản xâm lăng để bảo vệ hạnh phúc cho dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, phải luôn luôn nhớ rằng TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI QUỐC GIA DÂN TỘC VIỆT NAM CHƯA HOÀN THÀNH. Phải luôn luôn sáng suốt, đừng để bả lợi danh và những tiếng nỉ non tâng bốc ngọt ngào của bọn Việt Cộng gian xảo và tay sai đón gió trở cờ (kẻ thù của dân tộc) lôi cuốn, mà có những hành động và lời nói giúp cho chúng tồn tại lâu hơn nữa để tiếp tục hại dân hại nước. Hãy dứt khoát hăng hái kiên trì tiếp tay hỗ trợ liên tục về mọi mặt cho đồng bào trong nước, vùng lên loại bỏ bọn chúng sớm chừng nào hay chừng nấy, để cho quốc gia dân tộc Việt Nam sớm có Tự do, Dân chủ, và Nhân quyền được tôn trọng.
Cá nhân Tôi đã được cái vinh dự hoà đồng cùng hơn 20,000 đồng hương Việt Mỹ tham dự buổi Lễ Khánh thành Tượng đài vào trưa ngày 27 tháng 4 năm 2003, nên đã cảm tác mấy vần thơ kỷ niệm dưới đây, xin ghi lại để chư Vị cùng thưởng thức:
“ANH HÙNG TỬ, KHÍ HÙNG BẤT TỬ”
Quận Cam nắng Hạ chan hoà,
Bên nhau Việt Mỹ trẻ già hân hoan.
Cờ Hoa xen lẫn cờ Vàng,
Tung bay mở hội nghiêm trang đón mừng.
Tượng hai Chiến sĩ Anh Hùng,
Hiên ngang bất tử đứng cùng thời gian.
Gương hy sinh rạng mây ngàn,
Bao năm chiến đấu gian nan vì đời.
Tự do rạng toả nơi nơi,
Nhân quyền, Dân chủ, người người hưởng chung.
Trọng thay nghiã khí kiêu hùng,
Khác da khác giống nhưng cùng ước mơ.
Mơ toàn nhân loại an hoà,
Công bằng , bác ái, nhà nhà ấm no.
Tình thương dâng ngát muôn hoa,
Hoà đồng Sắc Tộc Mầu Da Giống Nòi./.
Để thay lời kết luận, cũng đồng thời trả lời cho những ai còn thắc mắc, vì sao thua trận phải lưu vong tỵ nạn mà hàng năm vẫn còn tổ chức kỷ niệm một Quân lực không còn sự hiện diện. Tôi xin phép dùng bài Thơ sau đây, nói lên tâm trạng của người Cựu Chiến binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà:
TRÁCH NHIỆM CHƯA HOÀN THÀNH.
Bao năm nếm mật nằm gai,
Dấu giầy đo bước sông dài, rừng sâu.
Ngày đêm lận đận ải đầu,
Vì Dân đâu ngại dãi dầu gió sương.
Dốc lòng bảo vệ Quê hương,
Chống loài Qủy Đỏ Bắc phương bạo tàn.
Bốn mùa chiến đấu hiên ngang,
Giúp Dân xây dựng Xóm Làng yên vui.
Trớ trêu Tai kiếp Giống nòi,
Đồng minh phản bội, chơi vơi bẽ bàng.
Hoạt đầu Lãnh tụ hai mang,
Buộc quân buông súng đầu hàng cầu vinh.
Ô danh bại Tướng bán mình,
Thế gian nguyền rủa, miệt khinh đời đời.
Thương Dân bỏ xác biển khơi,
Xót Quân lao khổ, giữa nơi ngục tù.
Hận thù chồng chất Thiên thu,
Non sông tan tác, xác xơ tình người.
Tha phương trăn trở khôn nguôi,
Đồng lòng hiệp sức muôn người chung lo.
Dẹp tan Cộng đảng vong nô,
Cùng nhau dựng lại cơ đồ Việt Nam./.
Little Saigon, Nam California, Hoa Kỳ.

NGUYỄN-HUY HÙNG (K1)
Cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng hoà, Phụ tá Tổng Cục trưởng Chiến tranh Chính trị, kiêm Chủ nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến,
Cựu Tù Chính trị 13 năm lao động khổ sai trong các trại cải tạo của Dảng và Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghiã Việt Nam sau ngày Quốc hận 30-4-1975.

Monday, June 8, 2020

Bài viết mới của Ch/h Bùi Đức Tính

Có Audio đính kèm ở cuối bài viết

“Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”


Cang nhướng mắt ngó ra ngoài đường:
- Hết mưa rồi…
Mưa đến bất ngờ, ào ạt một lúc, giờ như hết nước, mưa dứt ngang. Nó đeo lại kính cho ngay ngắn. Tròng kính dày cộm, đè nặng trên sóng mũi.
- Tao phải dìa trước,… làm bài.
- Ừ, dìa học đi Cang. Tụi tao ngồi thêm một lúc, cho mầy dễ học.
- Có sao đâu. Tụi bây dìa lúc nào cũng được…. Tao không khóa cửa.
Cang dặn dò rồi đứng lên. Nói thì vậy, nhưng khi nghe bạn mình đi về, bọn tôi cũng muốn về. Bình trà nhẹ bỗng, Vẹn để xuống:
- Thôi, mình đi về với thằng Cang luôn đi!
Tối nay, bọn tôi không hứng thú ngồi quán hay đi lang thang đến khuya khoắt như mấy đêm trước. Phát gọi Cang:
- Chờ tao trả tiền. Tụi mình cùng về!
Chẳng ai có ý kiến gì thêm, bạn bè lặng thinh, lục đục đứng dậy theo Cang, lững thững đi ra ngoài quán. Tôi đưa gói thuốc hút cho đám bạn. Bốn đứa đứng hút thuốc, chờ Phát trả tiền cà phê.
Sau cơn mưa, buổi tối mát lạnh làm khói thuốc thêm nồng ấm. Cang hít hơi thuốc dài:
- Tụi mày nên về ngủ sớm … mai đi trình diện.
- Ừ… sáng, tụi tao đi sớm.
Phát Thái (có hai đứa cùng tên Phát, chúng tôi gọi kèm họ để phân biệt) đồng ý bạn mình. Cang là bạn của Phát Thái. Không như bốn đứa tôi, Cang còn được đi học tiếp. Nó được hoãn dịch vì là con một và bị cận thị nặng.
.  .  .
Từ cuối năm học, luật động viên ban hành, đã chuẩn bị tinh thần cho gia đình và cho các thanh niên trong hạng tuổi. Ba tôi đã từng nhập ngũ hai lần, trải qua chương trình “Rừng-Núi-Sình Lầy” ở Trung tâm Huấn luyện Dục Mỹ. Ba tôi theo các đơn vị từ hải đảo Phú Quốc xa xôi, sau cùng về phục vụ tại Vùng 4. Có lần, tôi theo mẹ đi thăm ba; căn cứ nơi Đất Đỏ của Xuyên Mộc, bụi đỏ trên áo trắng đồng phục tiểu học. Tôi cho ba tôi biết ý định đi lính của mình. Hôm sau, tôi báo cho đám bạn biết sẽ trình diện nhập ngũ. Nghe vậy, hai thằng Phát và Vẹn gật gù:
- Tụi mình trình diện một lượt cho vui!
Phát Thái bày vẻ thêm chương trình:
- Có thằng Cang, nó mướn nhà trọ trên đường Lê Văn Duyệt. Tao nói nó cho tụi mình ngủ nhờ vài đêm. Ban ngày tụi mình kéo nhau đi chơi, khi nào hết tiền hay chán phố phường thì mình đi trình diện.
Thế là cả ba đứa kéo nhau lại nhà bạn mình, để giúp bạn trình bày với cha mẹ là… “con đi lính, hết giặc về… Ba Mẹ đừng lo!”.
Làm sao mà “đừng lo” cho được!
Cha mẹ cũng biết là mấy đứa con nó nói cho mình an tâm, vậy thôi.
Nhưng có mặt cái đám bạn bè của con mình, rầy rà thằng con không tiện cho lắm. Mà nói hay rầy, thì rầy nói gì bây giờ. Lại nghe tụi nó nói tỉnh queo, giống như là mấy lúc tụi nó kéo lại nhà, xin phép rủ nhau đi chơi một chút rồi về. Chuyện đi lính đâu phải một chút rồi về. Mẹ nào nghe chuyện ra đi như thế này, cũng nước mắt lưng tròng. Tôi bấm bụng, lấy chuyện đi lính của ba tôi mà an ủi các bậc sinh thành: “Dạ… Ba của cháu cũng có đi lính. Ông cũng được giải ngũ. Sau này lại nhập ngũ và rồi cũng giải ngũ ….”
Bài hát “Anh Đi Chiến Dịch” của Phạm Đình Chương nghe hoài. Hồi nhỏ chưa biết “chiến dịch” nghĩa là gì. Rồi lớn lên, tôi hiểu lời nhạc, nhưng chưa hề biết thấm thía, dù là hai chữ giản dị “anh đi” như bây giờ.
“Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”
Thời này, đi lính mà. Biết chừng nào về!
Đứa nào cũng biết, nói thì nói vậy; chọn làm lính trận, thời này, mấy ai dám hẹn ngày về. Súng đạn vô tình. May với rủi. Coi như, số phận đã an bài.
Ba tôi đã biết hết mọi chuyện từ cuối năm học. Chỉ lo cho mẹ tôi mà thôi. Biết là, mỗi lần báo tin với các bậc sinh thành, đều có kinh nghiệm hơn. Tôi nhờ bạn bè đến nhà tôi sau cùng, cho êm xuôi hơn.
- Chừng nào mấy đứa con… đi?”
Mấy hôm nay, đã ba lần nghe câu hỏi này và ba lần trả lời. Vậy mà, khi mẹ tôi hỏi, tôi không trả lời được. Ba tôi phải nói giùm.
Nhà tôi nằm trên đường bay của trực thăng đến Bệnh viện Dã chiến. Gọi là “dã chiến” nhưng bệnh viện có tường vách kiên cố, nằm ở đây từ trước khi tôi chào đời và không biết sẽ đến bao giờ mới hết là “dã chiến”. Trong lòng trực thăng sắp đáp xuống, hầu hết đều chở về những thân thể không vẹn toàn, hay poncho đã phủ kín đời người lính trận. Từ hôm tôi và bạn bè báo tin, khi có tiếng trực thăng bay xuống bệnh viện, không như trước đây, mẹ tôi thường dừng tay làm công chuyện, lắng nghe tiếng trực thăng.
Đêm đấu tố, và thủ tiêu. Đêm săn bắt cho đầy chỉ tiêu!
Đêm đen và bạo tàn không phải chỉ ở xa xôi, nơi miền Bắc. Tuổi trẻ đã sớm chứng kiến thân xác của đồng bào miền Nam mình, trong những hố chôn người, từ Tết mậu Thân 1968. Chiến tranh, từ biệt, tử sinh đã rất thực, lần bước vào bên trong khung cửa yên ấm của gia đình; hiện hữu, mãi mãi.
Đêm Việt Nam!
Việt Nam nước tôi buồn tênh!  
Rồi ngày hẹn nhau cũng đến. Dù đã biết, phải có lúc con mình rời tổ ấm. Bạn bè và tôi đã tập tành rời tổ ấm từ lúc mới học lớp Đệ Ngũ, lớp 8 bây giờ; chúng tôi xa nhà, sống với nhau trong Ký Túc Xá. Thế nhưng, bây giờ là rời nhà để đi lính, nhập ngũ tòng chinh, chứ không phải đi học. Mấy đứa em của chúng tôi đều đi học từ sáng, chỉ còn từ biệt mẹ cha. Thấy con mình rời nhà, đi lính cùng với đám bạn từ thời tiểu học, cha mẹ chừng như có phần yên tâm hơn. Tuy vậy, chứng kiến ánh mắt buồn hiu của người cha và mẹ thì quay đi để dấu nước mắt. Đám con trai cũng bối rối, chỉ lập bập mấy tiếng:
- Dạ… tụi con đi…
Vậy rồi, chúng tôi đi.
Đi nhanh như chạy trốn. Trốn nhìn mẹ nhìn cha, của mình và của bạn bè. Trốn sợ đối diện với lo buồn. Sáng nay, cả bốn đứa, không đứa nào dám ngồi lại ăn sáng với gia đình, trước khi đi. Sợ rằng kéo dài lúc chia tay, càng thêm quyến luyến, nát thêm trong lòng. Ra bến xe, không bụng dạ nào muốn ăn sáng. Ly cà phê sáng hôm ấy đắng nghét, khét lẹt.
Cà phê tối nay cũng đắng nghét!
Phát trở ra, đưa cho mỗi đứa một gói Bastos Xanh.
- Em nói, chúc mấy anh đi lính bình an!
Thừa biết “em” đây là ba chị em trong quán cà phê. Phát Thái cầm gói thuốc lắc lắc, trêu chọc:
- Hèn chi, mày dành trả tiền.
- Tao dành hồi nào đâu?... Đúng là làm ơn cho tụi mày còn bị mắc oán!
Phát than trách mà miệng cười tươi, khó hiểu, trông như đang bay trên chín tầng mây. Thế là, chúng tôi có dịp ùa vào tra khảo:
- Làm sao mà “em” biết “mấy anh” này đi lính?
- Thì tao nói… anh phải dìa ngủ sớm, mai đi trình diện.
- Trời ạ! Chưa thấy ai tán gái như mày! Ở đây thêm vài ngày, mấy em trong thành phố Sài Gòn này thấy mặt tụi mình là chúc “mấy anh đi lính bình an”… Mày làm như chỉ có tụi mình đi lính!
- Thì… có sao tao nói vậy.
- Rồi, cũng được… Mà mày hẹn hò xong hết chưa?
- Đi lính… biết gì mà hẹn.
Tôi có hai người cậu cũng học ở Thủ Đức, nên biết chút ít:
- Còn trong quân trường thì hẹn gặp ở Khu Tiếp Tân.
- Lên tới Thủ Đức xa quá!
- Xa gì! Sài Gòn – Thủ Đức mà xa gì!
- Mày làm như đã là… người tình trăm năm!
- Thì phải có một ngày, mới có tới trăm năm chứ.
Tôi mằn mò bao thuốc hút xem còn được bao nhiêu điếu. Thấy được bốn đầu thuốc lá. Chia thuốc trong gói cho đám bạn. Lấy điếu cuối cùng cho mình xong, tôi rút tờ giấy mạ bạc lót trong bao thuốc ra. Xếp trang giấy trắng ra ngoài, tôi đưa tờ giấy cho Phát, nửa đùa nửa thật:
- Ghi địa chỉ quán đi. Cất để dành mà gởi thư hẹn hò.
- Mày có biết tên em chưa?
- Tên thì tụi mày cũng biết, nói gì tao, nhưng… tao quên hỏi họ.
- Vậy thì trớt quớt rồi! Mày trở vô hỏi đi.… Tụi tao chờ cho.
Phát ngó vô quán, rụt vai:
- Có ông già!
- Tiệm quán thì thiếu gì ông già vào uống cà phê… Ông già mà mày sợ à?
- Không… không phải ông già, mà là “ông già”, đó mà!
- Coi vậy mà nhát há!
- Tội cho mày quá! Không cần họ đâu… có tên là được rồi. Chỉ cần ghi cho đúng địa chỉ là ngon lành. Thư tới em ngay.
Vẹn hù dọa thêm:
- Mấy em đi học. Thư tới “ông già” là cái chắc rồi.
- Ừ! Thì… cầu may vậy.
- Cầu may chi!... cầu “chú” Cang đây nè.
Cang nghe vậy, ra giá:
- Mỗi thư là một chầu cà phê, tao cho “ghi sổ”.
Cang đồng trang lứa. Có lẽ vì Cang mang kiếng cận, nói ít, ít đùa giởn, trông chững chạc, đạo mạo hơn bọn tôi, nên thường bị các cô gọi là “chú”. Phát chịu ngay:
- Cà phê thì cà phê…. Thôi, mình đi, cho “chú” Cang dìa học bài.
Quấy rầy chỗ ở trọ của Cang đêm nay là ba đêm.
Tối nay, bạn bè gom ra ngoài “hàng ba”, cái thềm nhà phía trước; để yên cho Cang làm bài. Xị rượu hôm qua, còn chút ít trong chai. Tối nay, không mời, không ép; nãy giờ chưa ai đụng tới. Bốn đứa ngồi ngó trời, ngó nhau, hồn ai nấy thả. Ba ngày qua, đây đó vô định, tùy hứng, tùy thích, bất cần biết ngày mai sẽ đi đâu, hay sẽ làm gì kế tiếp. Cũng phố phường thân yêu, cũng áo tiểu thư, và vẫn còn đó nét thơ ngây, nụ cười hồn nhiên, ánh mắt vô tư... Định rong chơi ít nhất một tuần. Thế nhưng, ba ngày nay, tất cả chừng như bị cái gì đó vô hình pha trộn; mọi thứ mù mờ, biến dạng, hương vị nhạt nhẽo. Những ngày rong chơi sau cùng, ngày càng vô vị. Chưa hết tuần, chúng tôi bảo nhau: sáng mai này đi trình diện cho xong.
Tôi lấy gói thuốc hút ra xem. Khác với gói Bastos bao màu xanh và màu đỏ bán cho dân chúng. Bao thuốc này màu trắng, có chữ J. BASTOS trên băng ngang màu xanh gần bên dưới. Hình người lính xung phong với lá quốc kỳ vàng sọc đỏ, thật sáng đẹp trên nền trắng của bao thuốc lá. Bastos “xanh” Quân Tiếp Vụ đấy!
Hãng thuốc lá MIC có tiếng và đã có mặt hơn trăm năm ở miền Nam Việt Nam; nằm trên đường Nguyễn Hoàng, trong khu Chợ Lớn. MIC nhắm vào giới trẻ, trung lưu, và gồm các hiệu như: Cotab, Ruby, Capstan. Vài năm sau, Sài Gòn có thêm hãng Bastos, Juan Bastos. Hãng này nằm trên đường Bến Vân Đồn, Quận Tư. Quân Tư “Khánh Hội”, nơi có đường Tôn Đản trong truyện của Duyên Anh; những truyện mà một thời tuổi trẻ đam mê, đầy ngưỡng mộ với Đại Cathay “Điệu ru nước mắt”, “Sa mạc tuổi trẻ”, “Vết thù trên lưng ngựa hoang”…. Bastos nhắm vào giới bình dân, với loại thuốc lá sợi đen, khói nặng, gắt, không thơm bằng Ruby Quân Tiếp Vụ, nên giá rẻ hơn. Quân Tiếp Vụ là cơ quan cung cấp hàng hóa, các nhu yếu phẩm như thuốc lá, bia, rượu, sữa, đường… cho quân nhân miền Nam mình với giá thấp hơn giá thị trường.
Bastos so với Pall Mall, thì rõ ràng là khác nhau một trời một vực, từ giá tiền đến hương vị. Tôi thích hàng chữ trắng Pall Mall thanh lịch kiêu sa, trên bao thuốc màu rượu chát đỏ sậm quý phái. Pall Mall dài hơn các loại thuốc hút khác đến một đầu lọc. Nhưng Pall Mall “đỏ” không có đầu lọc. Đoạn thuốc dài thêm này, có tác dụng độc đáo như là đầu lọc, làm bớt hơi khói nóng gắt từ đầu lửa, nhưng tăng thêm hương vị đậm đà. Kéo nhẹ điếu thuốc ra khỏi bao, hương thơm nồng nàn, hình dáng thon dài, quyến rũ, mê hoặc.
Ngó tôi ngắm nghía gói thuốc hút trên tay. Phát cười cười, thân mật:
- Tao mua đó!... Hồi nãy, tao đùa cho có chuyện nói…. Không có em nào tặng đâu. Tụi mày biết tao mà, không tán tỉnh ai hết… Tập làm quen với Bastos Quân Tiếp Vụ là vừa!
Chúng tôi tin Phát. Không đứa nào muốn vướng víu thêm tình cảm. Phát nói đúng: “tập làm quen với Bastos Quân Tiếp Vụ là vừa.” Tối nay, gói thuốc hút màu trắng có hình người lính và lá quốc kỳ, thật gần gũi, không còn xa lạ.
Quân vụ Thị trấn cũng nằm trên đường Lê Văn Duyệt, không xa nơi ở trọ mấy hôm nay. Thủ tục giấy tờ trình diện nhanh, dễ dàng. Từ đây, xe GMC chở bốn đứa tôi cùng các chàng tuổi trẻ tới Trung tâm 3 Tuyển mộ Nhập ngũ. Và rồi, từ con đường Quang Trung nắng đổ, tuổi trẻ chúng tôi được đưa vào quân trường; nơi có đàn anh chào đón và tận tình hướng dẫn, để vượt qua những tuần đầu tò te, ngố ngáo. Hai thằng Phát và Vẹn vào khác Trung đội, nhưng cùng chung Đại đội 32 với tôi. Trong đây, đỏ, hồng, vàng, xanh hay tím, không phải là màu áo tiểu thơ, để mấy chàng tuổi trẻ đứng ngẩn trông vời. Màu áo thiên thanh Thánh Linh giờ là màu trời ngày không gợn mây, nắng nóng bỏng sỏi đá Vũ Đình Trường,… Bây giờ, không còn là thời để thả hồn về áo trắng học trò hay mộng mơ màu hồng của áo dài trường Thiên Phước. Qua rồi cái tuổi mới lớn, đụng đâu yêu đó; thấy áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, ngắm áo nàng xanh tự dưng mến lá sân trường, hay tần mẩn pha mực cho vừa màu áo tím. Nó là các màu khăn danh dự của đàn anh và của đàn em. Để nhớ mà kịp chào kính, từ khi đàn anh còn xa đến sáu bước, và chỉ được đem tay xuống khi đi qua đàn anh trọn ba bước. Khởi đầu, nó là màu của hãi hùng, suốt cả ngày và trong đêm; khi còn tập tễnh làm Tân khóa sinh. Nó trở thành màu thương kính, biết ơn; khi đàn anh đứng kề bên, mang cho đàn em cặp alpha trên đôi vai áo; trong Lễ Gắn Alpha.
Thao trường đổ mồ hôi, nắng bãi tập nung cháy màu học trò, hung đúc tuổi trẻ. Tuổi trẻ đã nhanh chóng trưởng thành, thành người lính đứng thẳng nhận lãnh Trách Nhiệm. Để rồi, người lính biết tủi nhục trong ngục tù và đã biết xót đau tận cùng khi mất cả quê hương.  
Anh đi!
Xưa nay chinh chiến, mình chọn ngày đi, mấy ai chọn được lúc về.
Đàn anh ra đi.
Đàn em không quên lời xưa đã ước thề.

… nhớ ngày 19-6
Bùi Đức Tính




Bấm vào hàng chữ dưới đây







Mời nghe câu chuyện do chính tác giả kể lại