Có Audio đính kèm ở cuối bài viết
“Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”
Cang nhướng mắt ngó ra
ngoài đường:
- Hết mưa rồi…
Mưa đến bất ngờ, ào ạt một
lúc, giờ như hết nước, mưa dứt ngang. Nó đeo lại kính cho ngay ngắn. Tròng kính
dày cộm, đè nặng trên sóng mũi.
- Tao phải dìa trước,… làm
bài.
- Ừ, dìa học đi Cang. Tụi
tao ngồi thêm một lúc, cho mầy dễ học.
- Có sao đâu. Tụi bây dìa
lúc nào cũng được…. Tao không khóa cửa.
Cang dặn dò rồi đứng lên. Nói
thì vậy, nhưng khi nghe bạn mình đi về, bọn tôi cũng muốn về. Bình trà nhẹ bỗng,
Vẹn để xuống:
- Thôi, mình đi về với thằng
Cang luôn đi!
Tối nay, bọn tôi không hứng
thú ngồi quán hay đi lang thang đến khuya khoắt như mấy đêm trước. Phát gọi
Cang:
- Chờ tao trả tiền. Tụi
mình cùng về!
Chẳng ai có ý kiến gì
thêm, bạn bè lặng thinh, lục đục đứng dậy theo Cang, lững thững đi ra ngoài
quán. Tôi đưa gói thuốc hút cho đám bạn. Bốn đứa đứng hút thuốc, chờ Phát trả
tiền cà phê.
Sau cơn mưa, buổi tối mát
lạnh làm khói thuốc thêm nồng ấm. Cang hít hơi thuốc dài:
- Tụi mày nên về ngủ sớm …
mai đi trình diện.
- Ừ… sáng, tụi tao đi sớm.
Phát Thái (có hai đứa cùng
tên Phát, chúng tôi gọi kèm họ để phân biệt) đồng ý bạn mình. Cang là bạn của
Phát Thái. Không như bốn đứa tôi, Cang còn được đi học tiếp. Nó được hoãn dịch
vì là con một và bị cận thị nặng.
. . .
Từ cuối năm học, luật động
viên ban hành, đã chuẩn bị tinh thần cho gia đình và cho các thanh niên trong hạng
tuổi. Ba tôi đã từng nhập ngũ hai lần, trải qua chương trình “Rừng-Núi-Sình Lầy”
ở Trung tâm Huấn luyện Dục Mỹ. Ba tôi theo các đơn vị từ hải đảo Phú Quốc xa
xôi, sau cùng về phục vụ tại Vùng 4. Có lần, tôi theo mẹ đi thăm ba; căn cứ nơi
Đất Đỏ của Xuyên Mộc, bụi đỏ trên áo trắng đồng phục tiểu học. Tôi cho ba tôi
biết ý định đi lính của mình. Hôm sau, tôi báo cho đám bạn biết sẽ trình diện
nhập ngũ. Nghe vậy, hai thằng Phát và Vẹn gật gù:
- Tụi mình trình diện một
lượt cho vui!
Phát Thái bày vẻ thêm chương
trình:
- Có thằng Cang, nó mướn nhà
trọ trên đường Lê Văn Duyệt. Tao nói nó cho tụi mình ngủ nhờ vài đêm. Ban ngày tụi
mình kéo nhau đi chơi, khi nào hết tiền hay chán phố phường thì mình đi trình
diện.
Thế là cả ba đứa kéo nhau lại
nhà bạn mình, để giúp bạn trình bày với cha mẹ là… “con đi lính, hết giặc về… Ba
Mẹ đừng lo!”.
Làm sao mà “đừng lo” cho
được!
Cha mẹ cũng biết là mấy đứa
con nó nói cho mình an tâm, vậy thôi.
Nhưng có mặt cái đám bạn
bè của con mình, rầy rà thằng con không tiện cho lắm. Mà nói hay rầy, thì rầy nói
gì bây giờ. Lại nghe tụi nó nói tỉnh queo, giống như là mấy lúc tụi nó kéo lại
nhà, xin phép rủ nhau đi chơi một chút rồi về. Chuyện đi lính đâu phải một chút
rồi về. Mẹ nào nghe chuyện ra đi như thế này, cũng nước mắt lưng tròng. Tôi bấm
bụng, lấy chuyện đi lính của ba tôi mà an ủi các bậc sinh thành: “Dạ… Ba của cháu
cũng có đi lính. Ông cũng được giải ngũ. Sau này lại nhập ngũ và rồi cũng giải
ngũ ….”
Bài hát “Anh Đi Chiến Dịch”
của Phạm Đình Chương nghe hoài. Hồi nhỏ chưa biết “chiến dịch” nghĩa là gì. Rồi
lớn lên, tôi hiểu lời nhạc, nhưng chưa hề biết thấm thía, dù là hai chữ giản dị
“anh đi” như bây giờ.
“Cổ lai chinh chiến kỷ
nhân hồi”
Thời này, đi lính mà. Biết
chừng nào về!
Đứa nào cũng biết, nói thì
nói vậy; chọn làm lính trận, thời này, mấy ai dám hẹn ngày về. Súng đạn vô
tình. May với rủi. Coi như, số phận đã an bài.
Ba tôi đã biết hết mọi
chuyện từ cuối năm học. Chỉ lo cho mẹ tôi mà thôi. Biết là, mỗi lần báo tin với
các bậc sinh thành, đều có kinh nghiệm hơn. Tôi nhờ bạn bè đến nhà tôi sau
cùng, cho êm xuôi hơn.
- Chừng nào mấy đứa con…
đi?”
Mấy hôm nay, đã ba lần
nghe câu hỏi này và ba lần trả lời. Vậy mà, khi mẹ tôi hỏi, tôi không trả lời
được. Ba tôi phải nói giùm.
Nhà tôi nằm trên đường bay
của trực thăng đến Bệnh viện Dã chiến. Gọi là “dã chiến” nhưng bệnh viện có tường
vách kiên cố, nằm ở đây từ trước khi tôi chào đời và không biết sẽ đến bao giờ
mới hết là “dã chiến”. Trong lòng trực thăng sắp đáp xuống, hầu hết đều chở về
những thân thể không vẹn toàn, hay poncho đã phủ kín đời người lính trận. Từ
hôm tôi và bạn bè báo tin, khi có tiếng trực thăng bay xuống bệnh viện, không
như trước đây, mẹ tôi thường dừng tay làm công chuyện, lắng nghe tiếng trực
thăng.
Đêm đấu tố, và thủ tiêu. Đêm
săn bắt cho đầy chỉ tiêu!
Đêm đen và bạo tàn không
phải chỉ ở xa xôi, nơi miền Bắc. Tuổi trẻ đã sớm chứng kiến thân xác của đồng
bào miền Nam mình, trong những hố chôn người, từ Tết mậu Thân 1968. Chiến
tranh, từ biệt, tử sinh đã rất thực, lần bước vào bên trong khung cửa yên ấm của
gia đình; hiện hữu, mãi mãi.
Đêm Việt Nam!
Việt Nam nước tôi buồn
tênh!
Rồi ngày hẹn nhau cũng đến.
Dù đã biết, phải có lúc con mình rời tổ ấm. Bạn bè và tôi đã tập tành rời tổ ấm
từ lúc mới học lớp Đệ Ngũ, lớp 8 bây giờ; chúng tôi xa nhà, sống với nhau trong
Ký Túc Xá. Thế nhưng, bây giờ là rời nhà để đi lính, nhập ngũ tòng chinh, chứ
không phải đi học. Mấy đứa em của chúng tôi đều đi học từ sáng, chỉ còn từ biệt
mẹ cha. Thấy con mình rời nhà, đi lính cùng với đám bạn từ thời tiểu học, cha mẹ
chừng như có phần yên tâm hơn. Tuy vậy, chứng kiến ánh mắt buồn hiu của người
cha và mẹ thì quay đi để dấu nước mắt. Đám con trai cũng bối rối, chỉ lập bập mấy
tiếng:
- Dạ… tụi con đi…
Vậy rồi, chúng tôi đi.
Đi nhanh như chạy trốn. Trốn
nhìn mẹ nhìn cha, của mình và của bạn bè. Trốn sợ đối diện với lo buồn. Sáng
nay, cả bốn đứa, không đứa nào dám ngồi lại ăn sáng với gia đình, trước khi đi.
Sợ rằng kéo dài lúc chia tay, càng thêm quyến luyến, nát thêm trong lòng. Ra bến
xe, không bụng dạ nào muốn ăn sáng. Ly cà phê sáng hôm ấy đắng nghét, khét lẹt.
Cà phê tối nay cũng đắng
nghét!
Phát trở ra, đưa cho mỗi đứa
một gói Bastos Xanh.
- Em nói, chúc mấy anh đi
lính bình an!
Thừa biết “em” đây là ba chị
em trong quán cà phê. Phát Thái cầm gói thuốc lắc lắc, trêu chọc:
- Hèn chi, mày dành trả tiền.
- Tao dành hồi nào đâu?...
Đúng là làm ơn cho tụi mày còn bị mắc oán!
Phát than trách mà miệng
cười tươi, khó hiểu, trông như đang bay trên chín tầng mây. Thế là, chúng tôi có
dịp ùa vào tra khảo:
- Làm sao mà “em” biết “mấy
anh” này đi lính?
- Thì tao nói… anh phải
dìa ngủ sớm, mai đi trình diện.
- Trời ạ! Chưa thấy ai tán
gái như mày! Ở đây thêm vài ngày, mấy em trong thành phố Sài Gòn này thấy mặt tụi
mình là chúc “mấy anh đi lính bình an”… Mày làm như chỉ có tụi mình đi lính!
- Thì… có sao tao nói vậy.
- Rồi, cũng được… Mà mày hẹn
hò xong hết chưa?
- Đi lính… biết gì mà hẹn.
Tôi có hai người cậu cũng
học ở Thủ Đức, nên biết chút ít:
- Còn trong quân trường thì
hẹn gặp ở Khu Tiếp Tân.
- Lên tới Thủ Đức xa quá!
- Xa gì! Sài Gòn – Thủ Đức
mà xa gì!
- Mày
làm như đã là… người tình trăm năm!
- Thì phải có một ngày, mới
có tới trăm năm chứ.
Tôi mằn mò bao thuốc hút
xem còn được bao nhiêu điếu. Thấy được bốn đầu thuốc lá. Chia thuốc trong gói
cho đám bạn. Lấy điếu cuối cùng cho mình xong, tôi rút tờ giấy mạ bạc lót trong
bao thuốc ra. Xếp trang giấy trắng ra ngoài, tôi đưa tờ giấy cho Phát, nửa đùa
nửa thật:
- Ghi địa chỉ quán đi. Cất
để dành mà gởi thư hẹn hò.
- Mày có biết tên em chưa?
- Tên thì tụi mày cũng biết,
nói gì tao, nhưng… tao quên hỏi họ.
- Vậy thì trớt quớt rồi!
Mày trở vô hỏi đi.… Tụi tao chờ cho.
Phát ngó vô quán, rụt vai:
- Có ông già!
- Tiệm quán thì thiếu gì
ông già vào uống cà phê… Ông già mà mày sợ à?
- Không… không phải ông
già, mà là “ông già”, đó mà!
- Coi vậy mà nhát há!
- Tội cho mày quá! Không cần
họ đâu… có tên là được rồi. Chỉ cần ghi cho đúng địa chỉ là ngon lành. Thư tới
em ngay.
Vẹn hù dọa thêm:
- Mấy em đi học. Thư tới “ông
già” là cái chắc rồi.
- Ừ! Thì… cầu may vậy.
- Cầu may chi!... cầu “chú”
Cang đây nè.
Cang nghe vậy, ra giá:
- Mỗi thư là một chầu cà
phê, tao cho “ghi sổ”.
Cang đồng trang lứa. Có lẽ
vì Cang mang kiếng cận, nói ít, ít đùa giởn, trông chững chạc, đạo mạo hơn bọn
tôi, nên thường bị các cô gọi là “chú”. Phát chịu ngay:
- Cà phê thì cà phê…. Thôi,
mình đi, cho “chú” Cang dìa học bài.
Quấy rầy chỗ ở trọ của Cang
đêm nay là ba đêm.
Tối nay, bạn bè gom ra ngoài
“hàng ba”, cái thềm nhà phía trước; để yên cho Cang làm bài. Xị rượu hôm qua,
còn chút ít trong chai. Tối nay, không mời, không ép; nãy giờ chưa ai đụng tới.
Bốn đứa ngồi ngó trời, ngó nhau, hồn ai nấy thả. Ba ngày qua, đây đó vô định,
tùy hứng, tùy thích, bất cần biết ngày mai sẽ đi đâu, hay sẽ làm gì kế tiếp. Cũng
phố phường thân yêu, cũng áo tiểu thư, và vẫn còn đó nét thơ ngây, nụ cười hồn
nhiên, ánh mắt vô tư... Định rong chơi ít nhất một tuần. Thế nhưng, ba ngày
nay, tất cả chừng như bị cái gì đó vô hình pha trộn; mọi thứ mù mờ, biến dạng,
hương vị nhạt nhẽo. Những ngày rong chơi sau cùng, ngày càng vô vị. Chưa hết tuần,
chúng tôi bảo nhau: sáng mai này đi trình diện cho xong.
Tôi lấy gói thuốc hút ra
xem. Khác với gói Bastos bao màu xanh và màu đỏ bán cho dân chúng. Bao thuốc này
màu trắng, có chữ J. BASTOS trên băng ngang màu xanh gần bên dưới. Hình người
lính xung phong với lá quốc kỳ vàng sọc đỏ, thật sáng đẹp trên nền trắng của
bao thuốc lá. Bastos “xanh” Quân Tiếp Vụ đấy!
Hãng thuốc lá MIC có tiếng
và đã có mặt hơn trăm năm ở miền Nam Việt Nam; nằm trên đường Nguyễn Hoàng,
trong khu Chợ Lớn. MIC nhắm vào giới trẻ, trung lưu, và gồm các hiệu như: Cotab,
Ruby, Capstan. Vài năm sau, Sài Gòn có thêm hãng Bastos, Juan Bastos. Hãng này
nằm trên đường Bến Vân Đồn, Quận Tư. Quân Tư “Khánh Hội”, nơi có đường Tôn Đản
trong truyện của Duyên Anh; những truyện mà một thời tuổi trẻ đam mê, đầy ngưỡng
mộ với Đại Cathay “Điệu ru nước mắt”, “Sa mạc tuổi trẻ”, “Vết thù trên lưng ngựa
hoang”…. Bastos nhắm vào giới bình dân, với loại thuốc lá sợi đen, khói nặng, gắt,
không thơm bằng Ruby Quân Tiếp Vụ, nên giá rẻ hơn. Quân Tiếp Vụ là cơ quan cung
cấp hàng hóa, các nhu yếu phẩm như thuốc lá, bia, rượu, sữa, đường… cho quân
nhân miền Nam mình với giá thấp hơn giá thị trường.
Bastos so với Pall Mall, thì
rõ ràng là khác nhau một trời một vực, từ giá tiền đến hương vị. Tôi thích hàng
chữ trắng Pall Mall thanh lịch kiêu sa, trên bao thuốc màu rượu chát đỏ sậm quý
phái. Pall Mall dài hơn các loại thuốc hút khác đến một đầu lọc. Nhưng Pall
Mall “đỏ” không có đầu lọc. Đoạn thuốc dài thêm này, có tác dụng độc đáo như là
đầu lọc, làm bớt hơi khói nóng gắt từ đầu lửa, nhưng tăng thêm hương vị đậm đà.
Kéo nhẹ điếu thuốc ra khỏi bao, hương thơm nồng nàn, hình dáng thon dài, quyến
rũ, mê hoặc.
Ngó tôi ngắm nghía gói thuốc
hút trên tay. Phát cười cười, thân mật:
- Tao mua đó!... Hồi nãy,
tao đùa cho có chuyện nói…. Không có em nào tặng đâu. Tụi mày biết tao mà, không
tán tỉnh ai hết… Tập làm quen với Bastos Quân Tiếp Vụ là vừa!
Chúng tôi tin Phát. Không
đứa nào muốn vướng víu thêm tình cảm. Phát nói đúng: “tập làm quen với Bastos
Quân Tiếp Vụ là vừa.” Tối nay, gói thuốc hút màu trắng có hình người lính và lá
quốc kỳ, thật gần gũi, không còn xa lạ.
Quân vụ Thị trấn cũng nằm
trên đường Lê Văn Duyệt, không xa nơi ở trọ mấy hôm nay. Thủ tục giấy tờ
trình diện nhanh, dễ dàng. Từ đây, xe GMC chở bốn đứa tôi cùng các chàng tuổi
trẻ tới Trung tâm 3 Tuyển mộ Nhập ngũ. Và rồi, từ con đường Quang Trung
nắng đổ, tuổi trẻ chúng tôi được đưa vào quân trường; nơi có đàn anh chào
đón và tận tình hướng dẫn, để vượt qua những tuần đầu tò te, ngố ngáo. Hai thằng
Phát và Vẹn vào khác Trung đội, nhưng cùng chung Đại đội 32 với tôi. Trong đây,
đỏ, hồng, vàng, xanh hay tím, không phải là màu áo tiểu thơ, để mấy chàng tuổi
trẻ đứng ngẩn trông vời. Màu áo thiên thanh Thánh Linh giờ là màu trời ngày không
gợn mây, nắng nóng bỏng sỏi đá Vũ Đình Trường,… Bây giờ, không còn là thời để thả
hồn về áo trắng học trò hay mộng mơ màu hồng của áo dài trường Thiên Phước. Qua
rồi cái tuổi mới lớn, đụng đâu yêu đó; thấy áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, ngắm
áo nàng xanh tự dưng mến lá sân trường, hay tần mẩn pha mực cho vừa màu áo tím.
Nó là các màu khăn danh dự của đàn anh và của đàn em. Để nhớ mà kịp chào kính,
từ khi đàn anh còn xa đến sáu bước, và chỉ được đem tay xuống khi đi qua đàn
anh trọn ba bước. Khởi đầu, nó là màu của hãi hùng, suốt cả ngày và trong đêm; khi
còn tập tễnh làm Tân khóa sinh. Nó trở thành màu thương kính, biết ơn; khi đàn
anh đứng kề bên, mang cho đàn em cặp alpha trên đôi vai áo; trong Lễ Gắn Alpha.
Thao trường đổ mồ hôi, nắng
bãi tập nung cháy màu học trò, hung đúc tuổi trẻ. Tuổi trẻ đã nhanh chóng trưởng
thành, thành người lính đứng thẳng nhận lãnh Trách Nhiệm. Để rồi, người lính biết
tủi nhục trong ngục tù và đã biết xót đau tận cùng khi mất cả quê hương.
Anh đi!
Xưa nay chinh chiến, mình chọn
ngày đi, mấy ai chọn được lúc về.
Đàn anh ra đi.
Đàn em không quên lời xưa
đã ước thề.
…
nhớ ngày 19-6
No comments:
Post a Comment