Cái máy phát điện khởi động sình sịch mấy tiếng
ngắn rồi chạy đều. Bóng đèn trên trạm thu mua nối nhau bật sáng lên. Trong bóng
đêm, nhà lưa thưa, đèn vàng leo lét, gian nhà sàn bây giờ phựt sáng. Ánh đèn
sáng choang một góc xóm biển. Cơm chiều xong, công nhân tụ lại làm việc, chuẩn
bị để chuyển hàng xuống ghe. Tiếng thùng kéo lôi, thảy nện trên sàn nhà, tiếng
cười, tiếng nói, gọi nhau ồn ào. Gian nhà này dùng làm nơi nhận và chuyển hàng.
Không có hàng lên, hàng xuống, hay không có ai bày ra ăn nhậu, thì nơi này thường
vắng vẻ lắm; thỉnh thoảng mới có người ra ngồi hút thuốc, nhìn sóng đùa cùng biển
nước một lúc, rồi cũng bỏ đi.
Có một văn phòng nhỏ, kế bên là kho chứa và giữ
lạnh cho các cây nước đá, cùng các thùng tôm đã ướp lạnh. Chính giữa chừa trống,
để có chỗ cho các thứ công việc chính như: thu nhận nước đá, hải sản, vô thùng,
chuyển hàng xuống ghe… Cái máy xay giờ được kéo ra khoảng trống, gần bên cửa
kho. Tiếng máy chạy rầm rĩ. Mỗi lần nó ngốn cây nước đá khua nghe rổn rảng, inh
ỏi. Tôi lấy cái thùng xô, bước lên trên trạm. Chú Miên, công nhân chạy máy, hiểu
ý ngay, cười tươi:
- Nước đá?
Hỏi để hỏi, để chào hỏi. Miệng hỏi tôi, tay chú
Miên đã đón lấy cái thùng đưa ngay vào máy và hứng nước đá. Soạt cái là được nửa
thùng. Chú Miên lấy tay ém đá xay xuống, rồi hứng tiếp.
- Dà, lưng thùng được rồi chú!
Tôi nói xong thì thùng xô đã đầy. Chú Miên đưa
lại cho tôi:
- Kệ nó, nhầm nhò gì
- Cám ơn chú… anh Thà cho mớ cá với mực hồi chiều,
tính để sáng mai mới mần…. Sắp xuống hàng chưa chú?
Tôi giải thích cho có chuyện để nói; không ai
thèm thắc mắc với vài xô nước đá. Chú Miên hất mặt hướng về hàng thùng đã đậy nấp,
sẵn sàng chuyển xuống ghe, và chừng hơn một lố còn mở nấp, chờ ướp thêm đá xay:
- Gần xong rồi, … còn hơn chục thùng gì đó thôi!
Tôm thu mua từ mấy hôm trước, được cho vào
thùng và ướp lạnh ngay, để giữ cho tươi trong kho. Khi đến hạn, hoặc đủ số lượng
chuyển về công ty; trước khi xuống hàng, thùng tôm được mở ra để kiểm lại, rồi
đổ thêm nước đá mới xay cho đầy thùng, cùng lúc với số tôm mới thu mua trong
ngày.
- Ngon lành…. Tụi tui chuẩn bị để xuống hàng!
Tôi cám ơn chú Miên thêm, rồi đi trở về ghe.
Ngó Vũ đang đứng ngóng tin bên trên mui, tôi
vui vẻ báo tin:
- Sắp xong!
Nằm chờ cho đủ hàng ngoài trạm thu mua chán lắm;
vừa buồn vì không có chuyến chở hàng, vừa buồn vì ngoài này buồn lắm. Gì chớ,
có hàng, có chuyến chạy và được chạy về thành phố thì vui rồi. Vũ cũng vui lắm,
chỉ chờ nghe vậy, tuột ngay xuống mui cho máy chạy, rồi mở đèn lái trên mui và các
đèn trong khoang ghe, để công nhân chuyển hàng xuống. Tôi dọn dẹp khoang ghe; chỉ
cần kéo gom mấy tấm bạt ra phía sau, thế là lòng ghe trống ngay. Ba mươi sáu
thùng tôm. Chất ba thùng ngang, chừa lối đi hai bên trong lòng ghe, hàng dọc để
sáu thùng; chỉ cần hai tầng là xong. Vẫn còn nhẹ, so với trọng tải 15 tấn của
ghe. Được trả tiền theo chuyến. Mình cầu cho ít hàng, nhẹ ghe, dễ lái, ít hao dầu.
Nhiên liệu là một trong các thứ cần thiết hàng đầu, khi trốn đi. Nhầm những lúc
biển động, thu mua ít tôm, thì “nhà nước” phải chịu. Họ không thể neo ghe vận
chuyển, hay giữ tôm tồn kho lâu ngày, tôm sẽ bị hư. Công nhân trên trạm và hai đứa
tôi, phụ nhau chuyển các thùng hàng xuống ghe, chỉ một lúc ngắn thì xong. Vũ và
tôi lấy mấy tấm bạt, phủ trùm lên khối thùng tôm sắp gọn giữa lòng ghe, cho kín
gió, giữ đá chậm tan. Xong, Vũ vào trong mui ghe sẵn sàng điều khiển máy, tôi leo
lên mũi ghe đi lên trạm để tháo dây.
Như thông lệ, xuống hàng xong, thì dọn dẹp và kế
đến, ít nhiều cũng có… lai rai, để giải lao. Tối nay, không phải vô nhiều thùng
tôm mới. Chỉ cần chuyền vài thùng nước biển lên, dọn rửa nước tôm trên sàn nhà,
là xong việc. Cái máy xay nước đá đã được kéo dẹp vô vách kho hàng. Phía trong
sàn nhà, nơi còn khô ráo, nhóm công nhân đang bao quanh cái bàn nhỏ có mớ mực
khô và chai rượu trắng. Thấy tôi, anh Bền ngồi bên ngoài, cầm cái ly trên tay, bóc
miếng mực khô, nhanh nhẹn đứng dậy đi xuống cầu tàu, gọi lớn:
- Để đó đi!... tui mở dây cho mà!... Nè!.. làm
miếng cho ấm!
Tôi vói tay đón lấy miếng khô mực và ly rượu,
cho anh Bền rãnh tay tháo dùm đầu dây cột trên trạm.
Luật bất thành văn, “làm (một) miếng” cũng có
nghĩa là cạn ly. Rượu trong veo, “nước mắt quê hương” đấy, lấp lánh, sóng sánh
ngang đường ngấn của ly “xây chừng”. Tôi cám ơn anh Bền và đưa ly hướng về nhóm
công nhân trong bàn: “Dzô!”
Tôi uống cạn cái “xây chừng”, cho cạn tình, cạn
nghĩa.
Anh Bền tháo dây, cuộn tròn và thẩy xuống mũi
ghe.
Tôi cám ơn anh Bền và vẫy tay từ giả chung:
- Tụi tui dìa nghen!
Quấn nhanh sợi dây, tóm cho gọn chặt vào mũi
ghe. Tôi kéo cây sào lên, chống đẩy cho mũi ghe xoay hướng ra ngoài lòng sông. Chiều
tối, sông và biển trống vắng như lúc này; mình tắt máy, làm như ghe hư máy, cứ
để dòng nước đưa dần ra ngoài khơi... Tôi nuối tiếc, quay về với thực tại và chạy
nhanh lên mui ghe để giữ cần lái. Chờ tôi cầm lấy cần lái, Vũ đạp “embrayage”
và tay gài cần số cho ghe chạy tới; điều khiển cái động cơ John Deere của ghe,
giống như nó còn đang chạy chiếc máy cày. Chân vịt khởi động, đạp nước phùn phục.
Sức đẩy cuộn vòng thành sóng, đập mạnh vào bánh lái. Cần lái rung động trong
lòng bàn tay, cùng rung động, lao chao, thúc dục trong lòng tôi. Tôi ngước nhìn
biển khơi. Biển của tôi đây. Biển của ước mơ đang rộng mở, đợi chờ. Tự do trong
tầm mắt, nhưng xa quá, hãy còn ngoài tầm tay. Tay kéo tăng dần tốc độ máy, tay
đẩy nhanh cần lái sang phải; tôi đưa chiếc ghe khẻ nhóng mũi lên và nghiêng
mình quanh vòng sang trái, để chạy trở về thành phố.
Sau lưng tôi, đèn trên trạm thu mua rồi cũng mờ
khuất trong màn đêm. Biển khơi lùi xa dần. Biển của tôi rất thật, thật gần,
nhưng còn ngăn cách. Mỗi lần quay tàu trở về, tôi bồi hồi, nao nao; cứ quay
nhìn biển khơi sau lưng, lòng đầy nuối tiếc. Hơn một năm rồi. Ra đến biển, nhìn
đại dương mênh mông, mong chờ, để rồi lại quay trở vào. Cái nao nao, bồi hồi
hôm nay càng thêm bồn chồn với chuyện ghe của anh Bá, ba con Lượm, mới đi. Chữ
“đi” bây giờ rất là phổ thông, sau khi cộng sản chiếm miền Nam, nhất là trong xóm
ven biển này. Chỉ mỗi một chữ “đi” ngắn ngủi ấy, nó kể lại cả một chuyện dài đầy
nước mắt. Nước mắt của người đi cùng người ở lại; và cho dù người ra đi có tìm đến
được bến bờ tự do, hay ra đi mà không bao giờ đến.
Trạm thu mua không phải lúc nào cũng là nơi an
bình, vui vẻ. Chỗ trống trên trạm cũng từng là nơi của công an dùng để giam giữ,
để lục xét các nạn nhân trên tàu vượt biên, không may bị chúng nó bắt được. Những
lúc ấy thì ồn ào lắm, mà xót xa lắm. Không ai muốn chứng kiến đồng bào mình bị
tra tấn. Sàn nhà rung chuyển. Không gian náo loạn. Trạm đầy ấp người. Công an,
lính võ trang ở địa phương hung bạo la hét, xoay quần những người bị bắt. Thuyền
nhân xác xơ, tay bị trói, ngồi co ro, mắt sợ hãi nhìn những khuôn mặt vênh váo
khoái trá đang ghìm mũi súng với lưỡi lê đầy hăm dọa. Thêm một dịp, những kẻ
xưng danh “quân đội nhân dân” và “công an nhân dân” cùng chia chát tiền vàng cướp
được, vừa lập công với đảng, dâng thành tích lùng bắt những "thằng phạm",
"con phạm" vượt biên.
Chữ nghĩa của cộng sản gọi đồng bào mình như thế
đấy!
Thế đấy, đồng bào đã "phạm" cái tội
mà cái đảng và bạo quyền cộng sản rất là căm thù cấm kỵ, đấy là "tội"
đi tìm Tự Do!
. . .
Hồi ký của một linh mục Dòng Jesuit, người trước
đây từng phục vụ ở vùng Đông Dương và đã quay lại để giúp các thuyền nhân, cung
cấp một tường thuật sinh động về tình trạng vô cùng bi thảm tại một trại tỵ nạn
ở gần bãi biển của Thái Lan:
“Mỗi buổi sáng, khi
chúng tôi đi xuống các bãi biển, sẽ có những thi thể - đàn ông, phụ nữ và trẻ
em – trôi dạt vào bờ trong đêm qua. Đôi khi, có đến hàng trăm xác người, trông
như những mảnh gỗ trên bãi biển. Trong số xác người đó, có nhiều cô gái đã bị
hãm hiếp sau đó ném xuống biển để rồi chết đuối. Bi thảm tột cùng mà ngôn từ
không thể nào kể lại được ... Đôi khi,
cũng có người, với một phép lạ nào đó, họ vẫn còn sống sót. Họ nằm trên bãi biển
vì kiệt sức hoặc bất tỉnh. Họ trôi dạt vào bờ trong đêm, chúng tôi đã giúp họ hồi
sinh và chăm nom họ, khi chúng tôi tìm thấy.
Tất nhiên, thời tiết
đã gây nhiều tai hại cho thuyền nhân. Có nhiều chiếc thuyền vượt biển thật nhỏ
bé, mong manh, tồi tàn. Cũng có nhiều khi, người tỵ nạn bị nhà cầm quyền Việt
Nam bắn chận và kéo tàu họ về Việt Nam, những người phạm tội vượt biển còn sống
sót thì bị tù đày. Thế nhưng, thảm nạn cướp biển có lẽ là nguyên nhân trầm trọng
nhất, trong các vụ giết người. Bọn cướp biển chận bắt gần như tất cả ghe thuyền
vượt biên. Trước tiên, chúng nó tìm kiếm vàng, thậm chí còn tàn bạo đến mức kéo
cạy lấy vàng bọc răng từ trong hàm răng của mọi người. Điều tiếp theo thu hút
chúng nó, chính là những cô gái trẻ. Những tên cướp biển lo ngại bị bắt, và
cách tốt nhất để không bị bắt với tang chứng là phá hủy chiếc thuyền và giết hết
tất cả những người mà chúng đã hãm hại, và thậm chí chúng nó còn ném các cô gái
xuống biển, khi đồng bọn đã thỏa mãn ... Sau đó, các thi thể thuyền nhân bị cuốn
trôi vào bờ biển hoặc chỉ chìm mất vào trong lòng biển.”
Đoạn hồi ký trên được trích từ trang 105 &
106, trong quyển Running On Empty, Canada and the Indochinese Refugees,
1975-1980, cùng biên soạn bởi các tác giả Michael J. Molloy, Peter Duschinsky,
Kurt F. Jensen, và Robert J. Shalka. Đây là một bộ tài liệu lịch sử dày đến 582
trang, được biên soạn rất công phu. Trong đó, có ghi lại biết bao chuyện thương
tâm về người tỵ nạn cộng sản tại Đông Dương, về thuyền nhân Việt Nam. Những thảm
cảnh đã được thế giới biết đến và gọi là “Asian Holocaust”; như thời Holocaust,
1941-1945, khi người Do Thái bị quân Nazi lùng bắt và tàn sát. Trang 112 có một
tường thuật về chế độ man rợ của cộng sản như sau:
“Vào cuối tháng Mười Hai năm 1978, có gần
200.000 người tỵ nạn trong các trại tạm cư trên khắp Đông Nam Á …
Các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới
có đăng tin về những hành động và thái độ vô nhân đạo của bạo quyền Việt Nam đối
với thuyền nhân. Thời báo New York Times đã kể lại một câu chuyện thật, thật kinh
hoàng:
Các nguồn tin chính
thức của Philippines hôm nay cho biết rằng quân đội cộng sản Việt Nam đã giết
85 người tỵ nạn người Việt, trong đó có 45 trẻ em, khi thuyền đánh cá của họ mắc
cạn ... trên một hòn đảo ở Biển Đông. ... 8 người may mắn sống sót sau vụ thảm
sát ngày 22 tháng Sáu này và cuối cùng trôi dạt đến được đất liền và ẩn náu ở
Philippines ... Tài liệu đáng tin cậy đã cho biết quân đội cộng sản Việt Nam đã
nổ súng vào chiếc ghe của người tỵ nạn bằng súng cối, súng máy và các thứ vũ
khí tự động."
Theo Cao Ủy Tỵ Nạn của Liên Hiệp Quốc, khoảng
200.000 đến 400.000 thuyền nhân đã chết trên biển.
Bao chuyện thương tâm của thuyền nhân Việt Nam
đã được nghe biết. Hãy còn biết bao nỗi hãi hùng, đã theo thân xác của người vượt
trốn chế độ cộng sản, vùi chôn trong rừng hoang hay dưới đáy biển. Biết bao
chuyến đi đã không bao giờ đến được bến bờ tự do. Họ ra đi mà không bao giờ đến!
Người ta không thể quên, nhưng với lòng nhân từ,
có thể tha thứ cho bọn cướp biển; họ chỉ vì ham muốn nhục dục, lòng tham nhất thời
mà gây nên tội ác. Trái lại, chính sách bất nhân của chế độ cộng sản man rợ, đối
với đồng bào mình, thì cả dân tộc phán quyết và sử sách muôn đời khắc ghi.
Chuyện người, như chuyện mình, như sóng uất hờn
muôn đời còn cuộn dậy trên Biển Đông.
Chiều nay, xóm biển sau lưng tôi lại xót xa
đau, mong chờ tin người đã ra đi!
“Chiều ra biển đứng
ê chề
Tìm trên ngọn sóng…
có về xác em
Vớt rong rêu… ngỡ
tóc mềm
Quay về hướng gió…
tưởng em thơ dại
Tìm trong bọt trắng…
thân người
Nghẹn ngào dấu vết
còn phơi lõa lồ
Xác em… nay ở phương
nào
Tấp sang đất Thái
hay vào Nam Dương
Có khi xác vượt
trùng dương
Trôi về Bắc Mỹ trách
hờn người yêu
Biển lớn cuốn em đi…
Biển lớn cuốn em đi…
Rời xa, rời xa,… rời
xa mãi!
Biển ơi, trả cho ta...
Biển ơi, trả cho ta...
xác em yêu!... xác
em yêu!
Chiều ra biển đứng
ngậm ngùi!
Nhớ em và… nhớ cả trời
Việt Nam!” *
Bùi Đức Tính
……………………………………………………………………………
* Xác Em Nay Ở
Phương Nào - Thơ: Ngọc Khôi
No comments:
Post a Comment