Thursday, April 30, 2020

Chuyện Mất Chuyện Còn




Chiếc GMC, loại quân đội dùng chở quân lính, dừng lại. Tấm bạt che kín người bên trong xe, mở lên từ phía sau. Ánh mặt trời buổi chiều bất chợt hắt vào những tù nhân bên trong xe, làm bàn tay đưa lên che vội bên trên khuôn mặt hốc hác nhễ nhại mồ hôi, đôi mắt hấp háy tránh né tia sáng chói chang và đột ngột. Hai bộ đội trẻ, rất trẻ, đứng canh chừng bên lối xuống xe, tay ghìm cây AK với lưỡi lê dài nhọn đe dọa.
- Cho xuống xe!
Cán bộ “quản giáo” rời buồng lái, tay đeo vòng cái túi vải qua bên trái, cho khỏi che vướng cây súng ngắn K54 đeo lủng lẳng bên hong, ra lệnh. Những người tù lếch thếch nhích dần ra phía sau và mỏi mệt lần lượt xuống xe. Chân rảo bước về phía sau xe, có vẻ chưa vừa lòng, hắn cáu kỉnh hét:
- Khẩn trương lên!
Bất chợt có tiếng người kêu lên. Hai cái lon sữa Guigoz cột đeo trên vai anh, rớt xuống, lăn lóc nghe loảng xoảng. Mớ nước uống còn sót trong lon đổ tuôn ra, nhuộm ướt lớp sỏi đất trên sân trại thành màu đỏ sẫm. Tiếng kêu thảng thốt, khe khẻ, nhưng đủ làm những người quanh anh cùng cảm nhận. Các bạn tù còn trên sân khựng lại, nhìn xem. Bàn tay của anh cầm chặt nơi cổ tay của mình. Mắt anh kinh ngạc nhìn ngón tay của mình. Lúc xuống xe, chiếc nhẫn trên ngón tay, không may, máng vào đầu cây đinh ốc bị tuôn và nhô ra bên ngoài thanh gỗ dựa lưng của băng ghế. Sức nặng của thân thể và tốc độ nhảy xuống làm vòng kim loại cắt và tuột trọn da thịt trên ngón tay của anh quá nhanh, trong chớp nhoáng. Cảm giác thật sự chưa kịp đến. Cái đau lúc này ít hơn nỗi kinh hoàng khi mắt mình nhìn thấy các lóng xương ngón đeo nhẫn phơi bày ra trần trụi.
Dùng lưỡi lê trên đầu cây AK ghim chọc vào giữa vòng kim loại đang nằm trong nhúm thịt và máu. Đưa chiếc nhẫn máng trên thân lưỡi lê lên xem:
- Báo cáo cán bộ: chiếc nhẫn này của “ngụy”!
Thực vậy, không cần phải đọc cho được hàng chữ ghi tên quân trường quanh viên ngọc trên mặt nhẫn; hình ảnh con rồng uốn quanh cây kiếm và bản đồ Việt Nam, quá đủ để quân cộng sản nhận ra: đây là dấu hiệu liên hệ với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Bây giờ, máu tuôn trào. Cảm giác đau nơi ngón tay lúc này thật sự là đau buốt. Nhìn gương mặt im lặng chịu đựng, của nạn nhân, viên cán bộ cay cú:
- Cực kỳ ngoan cố! … Cách ly nó!
Quay sang những người tù còn đứng gần đó, dợm chân, có ý muốn bước đến giúp đồng đội của mình, hắn gằn giọng:
- Cấm mọi quan hệ! Cấm cứu thương!... Không băng bó chi cả!
Anh bị giam riêng. Rừng về đêm giá lạnh, ngón tay không thuốc men hay băng bó càng thêm đau đớn. Cái đau đớn tận cùng không chỉ ở vết thương!
Đến trưa hôm sau, người ta đem anh ra xe và chở đi…
Không ai rõ anh còn sống, hay đã bị chuyển đến trại giam nào để trừng trị. Chắc chắn một điều, anh đã bị kẻ thắng trận có cơ hội chặt mất ngón tay của anh.
Vết thương, nổi đau, cái chết của người tù “cải tạo”, chẳng nghĩa lý gì trong khối óc của những kẻ đã thấm nhuần lời dạy dỗ của “bác và đảng”.
Sau khi quân cộng sản chiếm trọn miền Nam tự do. Những người lính miền Nam Việt Nam, những công chức, nhà văn, nhà báo và tất cả những thường dân bị nhà cầm quyền cộng sản kết tội có liên hệ với chế độ Tự do của miền Nam, đều bị tống giam vào các trại tù, dưới tên gọi là “trại cải tạo”. Ngay cả thương binh cũng không thoát khỏi chính sách trả thù hèn hạ, hiểm độc. Họ bị tống đuổi ra khỏi bệnh viện, bất kể tình trạng thương tích trên người, với vải băng bê bết máu kéo lê trên mặt đất dơ bẩn.

Bây giờ, đã sắp hết tháng Tư.
Ngày 30 tháng Tư rồi cũng đến!
Tháng ngày nhắc nhớ niềm đau, nỗi đau tột cùng khi mất cả quê hương. Tháng Tư năm nay khác hẳn với các tháng Tư đã qua. Thế giới tang thương vì cơn đại dịch do loài vi trùng lạ tràn lan. Cho dù những con vi trùng lạ, xuất phát từ thành phố Vũ Hán của nước Tàu, có do loài người nào đó mưu đồ hay không, nó cũng đã hủy diệt được sinh mạng và tổn hại đời sống bình an của nhân loại. Đến nay, đã có hơn ba triệu người bị lây nhiễm bệnh và hơn hai trăm ngàn người đã tử vong.
Thật vậy. Hơn hai trăm ngàn bệnh nhân đã từ trần!
Cũng từ 30 tháng Tư năm 1975, theo Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, đã có từ hai trăm ngàn đến bốn trăm ngàn thuyền nhân đã chết vì phải vượt biển tìm tự do.
Thật kinh hoàng!
Nhiều hơn số tử vong vì đại dịch trong mùa xuân năm nay!
Cảnh cách ly hiện nay, không thể nào so sánh được với thảm cảnh cách ly trong các trại tỵ nạn, các trại tù “cải tạo” của cộng sản.
Trong bài viết “TRẠI CẢI TẠO – ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN Ở VN”, Bác sĩ Nguyễn Ý Đức có ghi lại về “Bệnh xá – Bệnh tật”.
”Mặt đứa nào đứa nấy trông như những quả dưa bở chín rục, chân tay bụ bẫm cứ như những cái xác chết trôi ba ngày, đang xếp hàng dài trước bếp xin chút nước vo gạo về uống với hy vọng mong manh tí chất cám có thể cứu nổi căn bệnh phù thũng trầm kha.” (Đại Học Máu Hà Thúc Sinh tr 251).
”Nói là bệnh xá cho xôm trò chứ nơi đây chỉ là một nhà thường có sạp nằm cho bệnh nhân. Lúc tôi đến đây thì đã có hai mươi trại viên đang trị bệnh tại đây. Người tôi bị tê liệt toàn thân do đó những việc vệ sinh cá nhân tôi không làm được, tôi phải nhờ sự giúp đỡ của hai bệnh nhân nằm hai bên tôi. Hai bệnh nhân này không cùng một trại với tôi.
Một hôm cán bộ bác sĩ đến tận giường tôi đọc lệnh mà nội dung như sau:- Anh Phan Phát Huồn, anh là một tên có nợ máu với nhân dân nhưng đảng và nhà nước ta đã tha tội chết cho anh, anh đau ốm vẫn cho anh nằm ở bệnh xá điều trị, vậy mà anh không biết điều, vi phạm nội quy của bệnh xá bằng cách quan hệ với người khác trại, vậy ngay từ giờ phút này anh phải ra khỏi bệnh xá. Nói xong ông ta ra lệnh cho y công buộc dây thừng vào hai chân tôi và kéo tôi như một con chó ra khỏi bệnh xá”.(AK và Thập Giá- LM. Phan Phát Huồn).
“Tại bệnh viện tôi đã nghe nói và chứng kiến những cuộc “căng mùng” ghê rợn. Căng mùng tức là nói đến giải phẫu bệnh nhân. Để tránh ruồi muỗi bu vào lúc giải phẫu, bệnh nhân được đưa vào trong mùng. Vì không có thuốc tê nên người ta cột bệnh nhân vào giường, lại còn có các anh hộ lý đè bệnh nhân xuống để bệnh nhân khỏi vùng vẫy lúc quá đau đớn. Thường thường bác sĩ dùng dao cạo râu để giải phẫu. Bệnh nhân gào thét kêu la thảm thiết, tôi có cảm tưởng là một con lợn đang bị thọc huyết” (AK và Thập Giá-LM Phan Phát Huồn).
…”

Cái chết trong cơn đại dịch hiện nay đã làm xúc động lòng người. Nhưng không thể nào so sánh với cái chết của thuyền nhân Việt Nam. Họ đã không được chết như bệnh nhân trong chăm sóc đầy tình người, nơi các quốc gia văn minh. Họ bị vùi thân xác nơi hoang đảo, trong lòng biển sâu. Họ chết trong kinh hoàng, uất hận; vì người giết người, vì súng đạn của những kẻ mệnh danh là “quân đội nhân dân”, như bản tin từ báo New York Times đã kể lại một câu chuyện thật, thật man rợ:
“Các nguồn tin chính thức của Philippines hôm nay cho biết rằng quân đội cộng sản Việt Nam đã giết 85 người tỵ nạn người Việt, trong đó có 45 trẻ em, khi thuyền đánh cá của họ mắc cạn ... trên một hòn đảo ở Biển Đông. ... 8 người may mắn sống sót sau vụ thảm sát ngày 22 tháng Sáu này và cuối cùng trôi dạt đến được đất liền và ẩn náu ở Philippines ... Tài liệu đáng tin cậy đã cho biết quân đội cộng sản Việt Nam đã nổ súng vào chiếc ghe của người tỵ nạn bằng súng cối, súng máy và các thứ vũ khí tự động."
Một thời đã từng tôn sùng cộng sản, Dương Thu Hương, tác giả của “Thiên Đường Mù” có lần đã nói về cái chiến thắng vào ngày 30 tháng Tư:
“Chế độ man rợ lại thắng chế độ văn minh”.

45 năm qua!
Đã có hàng trăm hồi ký, truyện ngắn, truyện dài viết về trại tù “cải tạo” của cộng sản. Biết bao câu chuyện thương tâm đã được ghi lại trong Thân Phận Người Lính Gãy Súng, Xử Tử Tù Cải Tạo, Nữ tù nhân "cải tạo" ở Z30D, Những Người Tù Cuối Cùng, Núi Lạnh, Cuối Tầng Địa Ngục, Trại Tập Trung, Trại Kiên Giam,… và hãy còn biết bao câu chuyện không thể nào được kể lại trọn vẹn, hay chưa bao giờ được biết đến; vì người tù đã vùi thân xác đâu đó trong rừng hoang khi vượt trốn trại, hay trong các bãi chôn tù, như nghĩa trang Đồi Bà Then trên Cổng Trời. Hoàn cảnh khắc nghiệt tại trại giam Cổng Trời khiến tù nhân chết do bệnh tật, thiếu ăn, biệt giam hay lạnh giá hầu như xảy ra hàng ngày. Đồi Bà Then là cái tên mà người nào ở Cổng Trời cũng đều biết. Nó là một mảnh đất nhỏ được dành làm nghĩa trang mà cán bộ trại giam luôn lấy làm biểu tượng để cảnh cáo những người tù cứng đầu nhất. Biết rằng: không ai thoát khỏi cái chết trong cõi đời này, nhưng người tù “cải tạo” phải chứng kiến và chấp nhận cái chết đến với mình. Chỉ riêng trại giam có tên là Trại Cổng Trời đã có quá nhiều hồi ký ghi nhắc đến.

Hàng năm, cứ đến ngày 30 tháng 4, đảng cộng sản lại thản nhiên tưng bừng kỷ niệm Đại thắng mùa Xuân. Năm nay cũng thế, tờ báo đảng “Sài Gòn giải phóng”, ngày 28 tháng 4 vừa qua, có loan tin về cuộc thi sáng tác tranh cổ động để ăn mừng “45 năm ngày Đại thắng mùa Xuân”:
“Cuộc thi được phát động vào tháng 11-2019, … Cuộc thi đã thu hút được nhiều tác phẩm gửi về tham dự. Giải nhất được trao cho tác phẩm "30 năm mới được gặp nhau trong ngày vui đại thắng"- tác giả Đỗ Như Điềm, Thái Bình.”

Thế đấy!
Hy vọng không thể vươn lên; không thể đặt niềm tin nơi chế độ cộng sản.
45 năm qua, cộng sản vẫn là cộng sản.
Kẻ phạm tội vẫn chối bỏ tội phạm, tất nhiên tái phạm.
"Those who cannot remember the past are condemned to repeat it"
(George Santayana)

Chuyện mất!
Chuyện còn!
Chuyện Việt Nam, còn đó nỗi đau tột cùng khi mất cả quê hương!

Tháng 4, 2020
Bùi Đức Tính

No comments:

Post a Comment